Xu Hướng:

Thăm Lăng Vua Hiệp Hòa – vị vua bị phế truất và bị giết sau 4 tháng lên ngôi

Bài viết thuộc danh mục:Huế

Lăng Vua Hiệp Hòa ở Huế là một công trình kiến trúc cổ xưa và không nằm trong danh mục quần thể di tích cố đô Huế, nên ít người biết về sự tồn tại của khu lăng mộ này. Sau 130 năm bị lãng quên, ngôi mộ đơn sơ của vua Hiệp Hòa mới được trùng tu lại.

trụ biểu

Bài viết này mình sẽ chia sẻ một vài thông tin mình tìm hiểu được về vị vua này, khá là nhiều điều thú vị. Hãy đọc hết bài để biết thêm được một vài cột mốc lịch sử phong kiến thời xưa của nước mình nhóe..

Địa chỉ và hướng dẫn đến Lăng Vua Hiệp Hòa

Lăng Vua Hiệp Hòa nằm trên đồi thông của phường An Tây, trên trục đường Tam Thai và cũng rất gần khu di tích Chín Hầm

Trên cong đường chính vào đến đến lăng bạn sẽ bắt gặp rất rất nhiều ngôi mộ 2 bên đường, như kiểu khu này là một khu đại nghĩa trang rộng lớn. Theo mình tìm hiểu được thì khu này có đến 4 triệu ngôi mộ và nghĩa trang lớn nhất TP Huế. Chú ý là trên đường đi phía bên tay trái bạn sẽ thấy có một bia đá hướng dẫn đường lên lăng.

hướng dẫn lên lăng vua hiệp hòa

Bạn đi men theo con đường đất khoảng 100m, cỏ mọc um tùm và những hàng thông ở hai bên đường là thấy lăng Vua Hiệp Hòa.

Đường đến lăng thì cũng khá là dễ đi, các bạn có thể xem qua hướng dẫn trên google maps mình có để phía bên dưới nhé. Đỡ mắc công hỏi đường, cứ đi theo anh gồ là đúng đương, ko sợ sai đâu.

Lăng Vua Hiệp Hòa

Nơi này khá là hoang vắng, ít người, bạn nào mà yếu bóng vía chắc cũng sẽ khá là sợ đấy.

Một vài điều thú vị về Vua Hiệp Hòa – Nguyễn Phúc Hồng Dật

1/ Vua Hiệp Hòa là con thứ 29 (con út) của vua Thiệu Trị.

2/ Ông là vị hoàng đế thứ 6 của triều Nguyễn – lên ngôi vua ở tuổi 37.

3/ Ông là vị vua đã quyết liệt từ chối việc lên ngôi, triều đình ( 2 quan phục chính ) buộc phải dùng đến vũ lực mới đưa được ông vào cung và lên ngôi

4/ Vua Hiệp Hòa chỉ ngồi trên ngai vàng được 4 tháng, thì bị chính hai ông Tường và Thuyết phế bỏ và được ban ” Tam Ban Triều Điển – uống thuốc độc đến chết” vì Hiệp Hòa có thái độ thân Pháp – và có mưu đồ giết 2 phụ chính Tường và Thuyết

5/ Do bị phế truất không còn là vua – Nguyễn Phúc Hồng Dật chỉ được an táng ở một ngôi mộ nhỏ theo nghi thức của quận công, ngôi mộ nằm trong khu rừng thông vắng vẻ – và ít người biết đến.

Lăng Vua Hiệp Hòa

Lịch sử về Vua Hiệp Hòa

Vua Hiệp Hòa (Nguyễn Phúc Hồng Dật, sinh 1847 – 1883) là một trong những vị vua có số phận buồn thảm nhất lịch sử Việt Nam.

Hiệp Hòa là con út của vua Thiệu Trị và bà Đoan tần Trương Thị Thận.

vua hiệp hòa

Lên ngôi bất đắc dĩ

Cho đến năm 1883, vua Tự Đức băng hà, trao di chiếu nối ngôi cho Dục Đức. Tuy nhiên Dục Đức cũng chỉ ngồi ngai vàng được 3 ngày thì bị phế truất. Tình hình ngày càng rối ren.

Trước tình hình đó, hai quan đại thần triều Nguyễn là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã bàn thảo với Hoàng Thái Hậu Từ Dụ tôn phong Lãng Quốc Công Hồng Dật lên nối ngôi. Mục đích cuộc bàn thảo được chấp thuận. Theo đó, triều đình đã cử một phái đoàn lên Kim Long nhằm rước Hồng Dật về cung để làm lễ đăng quang.

Hồng Dật hay được tin, thấy đoàn người đến thì hoảng hốt mà khóc rằng: “Tôi là con út của tiên đế, tư chất tầm thường, không dám nhận ngôi vua được.” Phái đoàn dù năn nỉ mấy Hồng Dật cũng không đi, nên cuối cùng phải dùng đến vũ lực với đưa được ông vào Tử Cấm Thành.

Hai hôm sau, vào ngày 30 tháng 7 năm 1883, tại Điện Thái Hòa, Hồng Dật lên ngôi vua, lấy hiệu là Hiệp Hòa, đánh dấu một vị vua tiếp theo trong lịch sử nhà Nguyễn.

Cái chết bi thảm của Nhà Vua vì thân Pháp

Hiệp Hòa lên ngôi, để muốn yên vị trên ngai vàng và không cam tâm nhìn quyền hành của hai Phụ chính đại thần (Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường) ngày càng lớn, nên đã tìm cách thoát khỏi sự ảnh hưởng của hai quan đại thần.

Đến bốn tháng sau, vua Hiệp Hòa nhận được một mật sớ của hai người thân tín là Hồng Sâm và Hồng Phi. Bên trong mật sớ có nội dung xin nhờ quân Pháp giết hai quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.

Vua Hiệp Hòa đọc xong thì tâm đắc, phê vào sớ: “Giao cho Trần Khanh (Trần Tiễn Thành) phụng duyệt” rồi bỏ sớ vào tráp giao người đem đến nhà Trần Tiễn Thành ở Dinh ông. Tuy nhiên trên đường giao sớ, hy hữu thay lại bắt gặp Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết thấy tráp đựng sớ mới lấy kiểm tra xem bên trong ghi gì. Sau khi đọc xong, Tôn Thất Thuyết mới giận dữ mà vỡ lẽ.

Vậy là sự việc bị phát hiện khi sớ chưa đến tay Trần Tiễn Thành.

Khi sự tình đã bại lộ, Tôn Thất Thuyết cùng với Nguyễn Văn Tường bàn cách phế truất vua Hiệp Hòa. Họ mời các đại thần khác đến họp nhằm kể tội vua Hiệp Hòa, Trần Tiễn Thành cùng với Hồng Sâm, Hồng Phi đã thông đồng với nhau để mưu mượn quân Pháp giết hại các quan đại thần.

Đoạn nói, Tôn Thất Thuyết còn lấy tờ mật sớ để làm chứng cứ trước mọi người.

Theo đó, các quan đại thần ký vào tờ sớ đòi phế truất vua Hiệp Hòa với ba tội:

  • “tham lậm công nhu”,
  • “không chịu nghe lời khuyến cáo của các quan phụ chính”
  • và “tư thông với đại diện của Pháp”.

Rồi dâng sớ đó đến Hoàng Thái Hậu Từ Dụ để thông qua.

Đồng thời với đó, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cho Ông Ích Khiêm dẫn 50 lính đến bắt vua Hiệp Hòa phải tự xử mình theo lệ “Tam ban triều điển” dành cho các đế vương, khanh tướng phạm tội tử hình. Trong đó, Ích Khiêm đưa cho Hiệp Hòa một thanh gươm, một dải lụa điều và một chén thuốc độc để vua tự chọn cái chết cho mình.

Thấy vua do dự, Ông Ích Khiêm ép đổ thuốc độc vào miệng vua, lâu sau thì thấy đã mất. Đó là một ngày mùa đông 29 tháng 11 năm 1883, Hiệp Hòa làm vua được bốn tháng, băng khi 36 tuổi.

Lúc mất, vua Hiệp Hòa chỉ được chôn cất theo nghi thức Quốc công, nên lăng mộ lúc ấy khá tiêu điều.

Cấu Trúc Của Lăng Vua Hiệp Hòa

Không giống như các ngôi lăng uy nghi, hoàng tráng như là của Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức, Lăng Khải ĐịnhLăng Vua Hiệp Hòa chỉ là một khu lăng mộ đìu hiu, hoang sơ, đơn giản nằm giữa một đồi thông lạnh lẽo.

Mãi sau này đến năm 2013, ngôi lăng mộ mới được con cháy trùng tu khang trang hơn.

lăng vua hiệp hòa

cổng vào khu mộ

Dù thiếu các yếu tố như tiền án, hậu chẩm, minh đường… nhưng khu lăng mộ vẫn được xây lại theo lối kiến trúc cung đình triều Nguyễn thời xưa cổ với đầy đủ các hạng mục gồm: tẩm lăng, bi đình, sân bi đình, đường trung đạo, trụ biểu, bình phong, hiển long và ẩn long… đúng tiêu chuẩn của một khu lăng mộ của một bậc hoàng đế cách đây hơn 150 năm trước.

Khu lăng mộ này hiện nay do con cháu nhà vua thuộc phủ Văn Lãng – Nguyễn Phước tộc gìn giữ

Công trình đầu tiên đó là hai trụ biểu trước lăng mộ, tiếp theo là công mộ, bình phòng và khu lăng mộ được xây 4 tầng hình chữ nhật nhỏ dần từ dưới lên.

Cổng vào và bình phong trước tẩm lăng

Lăng Vua Hiệp Hòa

Trụ Biểu – biểu trưng cho 2 ngọn đuốc soi sáng cho ngài ở thế giới bên kia.

trụ biểu

trụ biểu

Bi Đình và Bia đá lăng vua Hiệp Hòa

Bi đình và bia đá

bia đá

Mộ được xây 4 tầng hình chữ nhật nhỏ dần từ dưới lên

mộ vua hiệp hòa

BỨC BÌNH PHONG TRƯỚC MỘ PHẦN VUA HIỆP HOÀ

Bức Bình Phong

Vua Hiệp Hòa có lẽ là một ông vua đoản mệnh trong lịch sử triệu đại phong kiến. Cuộc đời của ông được nhắc đến gắn với bi kịch “tứ nguyệt tam vương” của triều đại nhà Nguyễn. Nếu có thời gian ở lại Huế lâu lâu và muốn tìm hiểu thêm về lịch sử thì Lăng Vua Hiệp Hòa cũng là một địa điểm đáng để bạn đến tham quan đấy.

Chúc các bạn có chuyến đi Huế với nhiều trải nghiệm thú vị nhé. Thấy hữu ích thì like và chia sẻ cho mình nhé.

Viết bài: Trung Nguyễn

quan-tam-bai-viet

List Villa Huế nguyên căn, đầy đủ tiện nghi giá tốt 2022

List homestay đẹp ở huế cho bạn lưu trú

Resort ở Lăng Cô cho bạn nghỉ dưỡng

Địa chỉ cho thuê xe máy tại Huế giá tốt 2022

avatar about owner post

Hi, Chúng mình là Trung & Trinh!

Chúng mình hy vọng bạn sẽ thích các hướng dẫn, các chia sẻ, mẹo du lịch cũng như giới thiệu cho mọi người về cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Rất mong các bạn theo dõi và ủng hộ chúng mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Quảng Cáo