Xu Hướng:

Kỵ húy

Bài viết thuộc danh mục:Huế

Miền Nam ta hay nói kiểu trại trại chữ khác xứ Bắc, ví như dân Nam hay gọi là Phan Châu Trinh thì miền ngoài cứ Phan Chu Trinh, đường Sài Gòn là Trần Nhân Tôn thì Hà Nội là Trần Nhân Tông …., tất cả có lý do của nó hết.

kỵ húy
Ảnh: The Hue of Huế

Kỵ húy tức là nói trại ra để tránh những từ triều đình cấm nói. Chuyện kỵ húy này có từ xưa bên Trung Quốc. Ở VN kỵ húy có ở tất cả triều đình từ Lý, Trần, Lê ….thậm chí chúa Trịnh nhà Tây Sơn cũng có kỵ húy.

Nói chung không riêng nhà Nguyễn mới có kỵ húy, tại vì nhà Nguyễn là triều đình quá gần chúng ta, và Chánh quyền sau 1975 không thuận nhà Nguyễn nên họ lên án nhà Nguyễn “bày đặt ra kỵ húy”. Thời chúa Nguyễn Hoàng đã có kỵ húy. Sau 1802 vua Gia Long lên ngôi thì ban hành pháp lệnh kỵ húy, vua Minh Mạng, Thiệu Trị tiếp nối, vua Tự Đức là ông vua giỏi chữ thành ra ông quy định kỵ húy ngặt hơn. Nhà Nguyễn trị vì thống nhứt Việt Nam, nhưng ở Bắc chỉ có giới quan lại, thành thị, Nho sinh là tuân thủ triệt để mà thôi.

Điều 62 bộ luật Gia Long quy định rằng: “Kẻ nào trong một bài viết tấu hay trình gì với vua mà dùng một tiếng trùng với tên vua hay tên một hoàng khảo sẽ bị phạt 80 gậy. Nếu tội phạm húy ấy mắc phải trong các giấy tờ khác thì hình phạt sẽ là 40 gậy. Kẻ nào phạm tội ấy mà lại dùng tên ấy làm tên chính sẽ bị phạt 100 gậy”. Học trò đi thi mà viết phạm húy một chữ thì dù bài hay, chấm đậu sẽ bị đánh rớt. Giám khảo bao che sẽ bị phạt, chúng ta thấy Cao Bá Quát từng bị vua Tự Đức phạt vì tội dùng lọ gẹ phết một chữ phạm húy của thí sinh để bao che.

Vài chữ phạm húy

  • Phúc đổi thành Phước vì chữ lót Phúc của họ Nguyễn Phúc ,Kim đổi thành Cam vì tên Nguyễn Kim là Triệu tổ của vua Gia Long.
  • Nguyên đổi thành Ngươn vì trùng tên Chúa Nguyễn Phúc Nguyên
    Chu thành Châu vì kỵ húy Chúa Nguyễn Phúc Chu. Thái thành Thới vì trùng tên Chúa Nguyễn Phúc Thái (Chúa Nghĩa). Nghĩa cũng thành Ngãi cũng vì Chúa này. Tỉnh Quảng Nghĩa thành Quảng Ngãi.
  • Vũ thành Võ vì trùng tên Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Họ Vũ trong Nam thành Võ. Sau này ai họ Vũ là phần lớn là người có gốc miền Bắc
  • Hoạt thành Hượt vì trùng tên Chúa Nguyễn Phúc Hoạt (Khoát).
    Hoàng thành Huỳnh vì trùng Chúa Nguyễn Hoàng.
  • Ánh thành Yếng ,Noãn vì kỵ húy vua Gia Long: Nguyễn Ánh
  • Đảm thành Đởm vì kỵ húy vua Minh Mạng tên thực là Nguyễn Phúc Đảm. Mạng thành Mệnh cũng vì vua này. Nhân thành Nhơn vì thụy hiệu của Minh Mạng là Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế.
  • Tông thành Tôn vì kỵ húy vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông)
  • Hồng thành Hường ,Nhậm thành Nhiệm vì trùng tên vua Tự Đức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm
  • Đường thành Đàng vì vua Đồng Khánh tên là Nguyễn Phúc Ưng Đường (Hay Ưng Chân ). Và huyện Chân Định đổi thành Trực Định. hai huyện Nam Đường và Nghĩa Đường tỉnh Nghệ An đổi thành Nam Đàn và Nghĩa Đàn.
  • Bửu thành Bảo vì kỵ húy vua Thành Thái là Bửu Lân.
  • Cảnh thành Kiểng vì trùng tên thái tử Đông Cung Nguyễn Phúc Cảnh.
  • Hoa thành Bông vì trùng tên Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng,mẹ Thiệu Trị, bà này người Thủ Đức

Kể ra …chóng mặt , còn nhiều lắm

Bông và Hoa

Cái chuyện Hoa thành Bông cũng lắm ly kỳ. Bà Hồ Thị Hoa lấy vua Minh Mạng năm 16 tuổi, sanh ra Miên tông ( Thiệu Trị) là chết vì hộ sản, hoàng tử giao cho Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang (Bà nội) nuôi. Vua Minh Mạng chưa bao giờ yêu bà Hoa vì lúc đó còn quá trẻ và bà mất sớm.

Sau truyền ngôi cho con, vua Minh Mạng không có ý định truyền cho Miên Tông dù là con trưởng, Minh Mạng thương bà Đức Phi người Bắc Kỳ và có ý truyền ngôi cho con bà này. Ông phân vân và hỏi ý kiến Thái hậu Trần Thị Đang. Bà Thái hậu vốn nuôi Miên Tông từ nhỏ nên thương, bà bênh cháu bằng cách nói với vua về lệ “không bỏ trưởng lập thứ” được, sẽ loạn, cái nữa là Miên Tông lúc đó đã 32 tuổi, đủ chính chắn nối ngôi. Nhờ bà nội mà Miên Tông lên ngôi vua lấy hiệu là Thiệu Trị đế.

Vua Thiệu Trị lên ngôi hoàng đế, nhớ người mẹ Nam Kỳ xấu số, ông phong mẹ là Tá Thiên Nhân hoàng hậu. Còn chuyện kỵ húy Hoa thành Bông là do vua Gia Long ban hành. Thương con dâu vắn số đẻ con chết yểu, sau khi bà Hoa chết chính vua Gia Long ra sắc lệnh ko được gọi chữ Hoa. Dân phải gọi Huê hoặc Bông

– Tỉnh Thanh Hoa đổi thành Thanh Hóa.

– Phủ Thăng Hoa ở Quảng Nam đổi thành Thăng Bình.

– Cầu Hoa ở khu Lăng Ông thành Cầu Bông. Cầu Bông được xây dựng từ thế kỷ 18, lúc đầu đặt tên là cầu Cao Miên. Một thời gian sau, cầu Cao Miên đổi tên là Cầu Hoa, vì ở chân cầu lúc đó có trồng nhiều hoa kiểng. Theo cụ Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Năm Xưa, cái Cầu Bông trên đường Đinh Tiên Hoàng bắc qua Kênh Nhiêu Lộc ở quận 1 Sài Gòn vốn có tên là Cầu Bông

– Phàn Lê Hoa thành Phàn Lê Huê

– Chợ Đông Hoa ở kinh thành Huế đổi thành Đông Ba .

Chợ Đông Ba ở kinh thành Huế , dân gọi Đông Ba nhưng trên thư tịch nhà Nguyễn ghi là chợ Đông Gia. Chợ đã dời nhiều lần, lúc trước chợ nằm ngay cửa chánh đông của kinh thành và gần một hồ hoa sen .Cửa chánh đông tên là Đông Gia ,sau dân đọc thành cửa Đông Ba

Chiều chiều ra chợ Đông Ba
Ngó về hàng bột trông ra hàng đường
Nhìn mai ngắm liễu xem hường
Cô nào đẹp nhất xin nhường cho tôi

Nhà thơ hoàng tộc Ưng Bình Thúc Gịa Thị làm thơ rất phép tắc chữ Hoa và Bông .Ông ghi thế này :

 “Dở cười dở khóc trên sân khấu,
Khi nở khi tàn mấy cụm bông”
…..

“Cứ loanh quanh mãi cuộc phiền ba, ( Phiền ba là phồn hoa)
Tuổi sáu mươi lăm cũng đã già”

Tuy nhiên,Phật có bộ kinh Liên Hoa thì ông vẫn làm thơ và ko đổi qua chữ bông hay ba, nghĩ cũng …ngộ.

“Soi gương trí tuệ đỡ cho mình,
Là quyển Liên hoa gợi tánh linh”

Có câu ca dao:

 Thủng thỉnh lượm bông ba rơi
Lượm cho có cách hơn người trèo cao.

Năm 1831, vì cữ tên lăng của hoàng hậu Hiếu Minh, vợ của chúa Nguyễn Phúc Chu, là Vĩnh Thanh Lăng nên Vĩnh Thanh Trấn đổi thành Vĩnh Long Trấn, để qua năm 1832 thành tỉnh Vĩnh Long .

Nên nhớ thời Gia Long , năm 1808 dưới quyền Tả quân Lê Văn Duyệt thì Gia Định Thành có 5 trấn là: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và An Giang. Vĩnh Thanh là đất Vĩnh Long ngày nay, nếu không kỵ húy thì đã có tỉnh Vĩnh Thanh

Khác

Tuy nhiên , vẫn có cái khác lạ. Như Nguyễn Hữu Cảnh được dân Nam Kỳ thương đọc trại thành Nguyễn Hữu Kính

Có nhiều chữ không hề kỵ húy, tên vua chúa hoàng tộc, song vẫn được dân Nam đọc trại ra. Ví như Bắc Kỳ gọi “ở góa”thì Nam Kỳ đọc thành ra “ở giá”Dân Nam gọi Sinh hay Sanh, Lệnh hay Lịnh , Lại hay Lợi, Quế hay Qưới đều đồng nghĩa

Sài Gòn có đường Lê Thánh Tôn thì Hà Nội cứ Lê Thánh Tông ,nhưng lại viết ông Tôn Đức Thắng mà ko đổi thành Tông Đức Thánh. Nghĩ cũng ngộ!

Chia sẻ: Phong Việt

Xem thêm các bài viết khác về Huế:

avatar about owner post

Hi, Chúng mình là Trung & Trinh!

Chúng mình hy vọng bạn sẽ thích các hướng dẫn, các chia sẻ, mẹo du lịch cũng như giới thiệu cho mọi người về cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Rất mong các bạn theo dõi và ủng hộ chúng mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Quảng Cáo