Xu Hướng:

Lăng Gia Long ( Thiên Thọ Lăng ) – ngôi lăng của vị vua đầu tiên của Triều Nguyễn

Bài viết thuộc danh mục:Huế

Lăng Gia Long hay còn gọi là Thiên Thọ Lăng, là nơi an giấc ngàn thu của vị vua sáng lập Triều Nguyễn cùng người vợ đồng cam cộng khổ Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Lăng sở hữu vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, sự lãng mạng hữu tình của phong cảnh với những hồ sen xanh mát trước lăng, những hàng thông cao vút dọc lối đi.

Ngôi lăng mang ý nghĩa đặc biệt, là mô thức lăng tẩm vua chúa đầu tiền của Triều Nguyễn, là bức tranh tuyệt tác về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc. Đồng thời ẩn trong đó là một mối tình, là biểu chưng cho lòng chung thủy, không dễ tìm thấy ở các bậc đế vương thời xưa

Điện Minh Thành - Lăng Gia Long

Mình nhớ trước mỗi bài học sẽ có một hình vẽ về lăng tẩm của triều đại, ông vua đó kèm một câu ca dao trước khi bắt đầu bài học và họ bắt đầu nhà Nguyễn bằng câu:

“Gia Long thống nhứt san hà”

Đọc sơ trên mạng thì được biết lăng Gia Long khá xa trung tâm thành phố, nằm ở thượng nguồn sông Hương, qua mấy chặng đò, đường xá còn xấu nên cũng không nhiều người thăm viếng. Nhưng không sao, lần này đi một mình, lại cũng muốn tìm hiểu về vị này nên quyết định làm một chuyến.

Cùng mình tìm hiểu về lăng của Vua Gia Long xem có điểm thú vị gì nhé..

Cách đến Lăng Gia Long

Vượt qua hai dốc đường Điện Biên Phủ đến đàn Nam Giao, rẽ phải, rồi rẽ trái hướng về cầu Lim, đường Minh Mạng thì đến ngã ba Học Viện Phật Giáo. Đinh ninh trong đầu là đến ngã ba này sẽ rẽ phải nhưng do gió mát, cảnh đẹp nên mình chạy trờ qua khỏi lúc nào không hay. Lát sau hỏi dân địa phương thì mới biết đi lố hơn 5 cây số, nhưng cũng có thể đi được đến Cầu Tuần. Thế là thẳng tiến cầu Tuần luôn.

Cầu Tuần ngay gã ba sông, nơi hai dòng Tả Trạch (bên trái) và Hữu Trạch (bên phải) gặp gỡ và hợp thành sông Hương. Sở dĩ gọi là ngã ba Tuần vì nơi đây có tram thu thuế của triều đình, và thuyền tuần tra, đốc thúc và kiểm tra việc thu thuế các sản phẩm trao đổi giữa vùng núi và đồng bằng. Xa xa lơ đễnh mấy con thuyền làm cảnh vật ở đây càng thêm hữu tình thơ mộng..

Qua khỏi cầu Tuần đoạn chừng 100 thước thì rẽ trái vào một con đường nhỏ, đoạn đường này mới hoàn thành chừng 3 tháng đổ lại nên cũng ít người biết. Cả đoạn đường là một con dốc dài, môt mình một ngựa, bên hữu là núi non trùng điệp, bên tả là sông Hương hiền hòa. Cảm giác không có gì…sướng bằng.

Cuối con đường sẽ là 1 ngã tư lớn, rẽ phải đi đâu không biết, quẹo trái là đường vào lăng Minh Mạng, còn đi thẳng thì sẽ gặp biển này

Theo chỉ dẫn, mình chạy theo hướng về lăng Gia Long. Thiệt tình là khi viết ở đây không thể nào diễn tả được cảm giác thích thú khi len lõi trong những vườn cây Thanh Trà, một bên là dòng sông Hương, bên kia lại là núi non hùng vĩ, cộng thêm thời tiết đầu tháng bảy dịu dàng, tất cả làm nên một cảm giác vô cùng thích thú.

Len lỏi theo con đường nhỏ chừng 8 cây số, bắt đầu xuất hiện những bảng chỉ dẫn vào lăng Gia Long, mon theo con đường nhỏ bên những hàng thông sừng sững ( điều ngạc nhiên là thông rất nhiều ở khu vực gần lăng).

Lịch sử xây dựng Lăng Gia Long

Lăng bắt đầu xây dựng từ năm 1814, đến năm 1820 mới hoàn tất. Vua Gia Long quan niệm rằng “sống gửi thác về“, tức là cuộc sống trần thế chỉ là tạm bợ, cuộc sống ở thế giới bên kia mới chính là cõi vĩnh hằng. Ông đã mất rất nhiều năm để chọn nơi an giấc cho mình.

Thuộc đất để xây lăng gia long là do thầy địa lý Lê Duy Thanh là con của nhà thục sĩ Lê Quý Đôn chọn lựa ra. Thầy Địa Lý Lê Duy Thanh, đã chọn Thọ Sơn ở Xã Định Môn, Huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế 20km về hướng Tây làm vị trí để xây lăng

Đại Nam Thực Lục ghi chép: ngày quý sưu, dựng Thọ Lăng ở xã Định Môn

Toàn cảnh lăng gia long

Lăng nằm ẩn mình trong không gian kỳ vỹ của núi đồi, giữa 2 dòng tả trạch và hữu trạch của sông hương là nơi vượng khí sung túc, tuy nhiên lại bị cô lập. Thời xưa các vị vua muốn đến lăng làm lễ phải đi đường thủy. Bản tấu ngày 9 tháng 3 , năm minh mệnh thứ 9 – tức năm 1928 có ghi chép ” Ngày 11 tháng này đúng tiết thanh minh, hậu ngự giá theo đường thủy đến lăng làm lễ”

Năm 1819, vua Gia Long băng hà, lăng được tiếp tục xây dựng, những năm 1820 – 1833 mới hoàn thiện.

Một vài Lăng Tẩm ở Huế khác cho bạn tham khảo

Nhân công lúc đầu đều là binh lính, gồm 300 lính Sanh thiết, 247 lính Thủy quân và lính làng Phù Bài, cộng lại là 547 người. Sau đó, triều đình tuyển thêm nhân công và thợ giỏi lên đây làm việc.

Nhà vua phong cho cả vùng núi đồi tại đó là Thiên Thọ Sơn và đặt tên cho khu vực lăng tẩm ấy là Thiên Thọ Lăng. Ngày nay, người ta gọi tắt khu vực kiến trúc ấy là lăng Gia Long.

Tóm tắt

Cha ngài mất lúc ngài mới 4 tuổi. Lúc ngài 14 tuổi (1774) thì Thuận Hóa mất vào tay quân Trịnh. Ngài theo Chúa Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần lánh vào Gia Định. Năm 1777 Gia Định bị quân Tây Sơn chiếm, ngài phải chạy vào Long Xuyên. Sau đó Duệ Tông và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương bị quân Tây Sơn bắt giết. Ngài được các tướng tôn làm Đại Nguyên Soái lúc mới 17 tuổi. Ngài thất trận nhiều lần trước quân Tây Sơn, phải lánh mình ra Phú Quốc, Côn Lôn, Xiêm La, phải gửi Hoàng Tử Cảnh theo Giám Mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Đến năm 1788 mới lấy được thành Gia Định, năm 1801 lấy lại Thuận Hóa. Năm 1802 ngài hiệp tế trời đất, đặt niên hiệu là Gia Long và sau đó tiến quân ra Bắc, thu phục Thăng Long, thống nhất sanhà. Năm 1802 đổi quốc hiệu là Việt Nam và 1806 mới làm lễ lên ngôi Hoàng Đế.

Cấu Trúc của Lăng Gia Long

Lăng Gia Long bao gồm 42 ngọn núi bao xung quanh tạo thành một la thành tự nhiên. Những yếu tố đó dã tạo nên các yếu tố như:  tiền áo , hậu trẩm , tả thanh long hữu bạch hổ.

Ngọn núi Đại Thiên Thọ, ngọn núi lớn nhất được chọn làm Tiền Án của lăng. Chọn thượng nguồn sông Hương làm nơi xây lăng

Và đó chính là cấu trúc lăng mộ theo kiểu thức ” Nhân Sơn Chế Lăng ” , nương vào núi để làm lăng, trong đó bàn tay con người chỉ tạo dựng nên nhưng công trình kiến trúc là nét chấm phá tô điểm, và không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đó là một điểm hết sức đặc biệt.

Kiến trúc lăng gia long đơn giản và bình dị, không lầu đài đền tạ, cũng không xây dựng la thành, núi đồi xunh quang chính là vòng la thành thiên nhiên bao bọc. Khiến lăng vừa mang vẻ hùng vĩ hoang sơ, vừa đậm chất thơ

Trước lăng rộng 150 trượng, bên trái, phải và phía sau đều rộng 100 trượng, thành bảo vệ bốn mặt đều dài hơn 40 trượng”

Đường vào lăng

Ban đầu, quần thể Lăng Gia Long có 85 trụ biểu, nhưng hiện nay chỉ còn 2 cột trụ biểu trước lăng.

Tổng thể Lăng Gia Long được chia làm 3 khu vực:

  • Chính giữa là khu lăng mộ của vua và hoàng hậu
  • Bên phải là tẩm điện – Điện Minh Thành
  • Bên trái là Bi Đình

3 công trình này được xây trên 3 quả đồi nhỏ với các tên gọi: Chính Trung (ở giữa), Thanh sơn (bên trái) và Bạch sơn (bên phải)

Lăng gia long - thiên thọ lăng

Phía sau là vài ngôi lăng của các vị hoàng thân với nhà vua cũng được an nghỉ tại đây.

1. Tẩm Điện – Điện Minh Thành

Phần tẩm điện thì nằm trên Bạch sơn và được xây tường thành bao quanh. Từ ngoài vô trước tiên sẽ là Nghi Môn, sau đó là tả hữu Tòng tự, rồi đến điện Minh Thành.

Điện Minh Thành là nơi thờ Vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Bên trong điện còn chứa chiều kỷ vật của vua Gia Long thuở còn sinh thời như cân đai, mũ,…

Vé tham quan lăng

Đường vào tẩm điện

Nghi Đình
Nghi Đình
Điện Minh Thành
Điện Minh Thành

Đại Nam Thực Lục có chép:

” Bên Hữu Lăng đựng tẩm điện gọi là Điện Minh Thành. Điện này không sơn đỏ, gỗ mộc làm giản dị giống như ngày mai có thể làm xong cho nên đặt tên như thế “

Nội thất trong tẩm điện được trang trí rất đơn giản, trạm trổ hình chữ Thọ ở giữa và dây là cách điêu xung quanh.

Bên cạnh điện Minh Thành , cho dựng phối điện tả hữu, phía trước điện là Nghi Môn, phía sau là tòng viện

2. Bi Đình – có tâm bia ” Thánh Đức Thần Công “

Bi đình được xây dựng trên Thanh Sơn, với kiểu dáng là một phương đình với hai tầng mái

Bi Đình

Bên trong nhà bia, dựng tấm bia lớn ” Thánh Đức Thần Công ” của vua Minh Mạng ca ngợi vui cha. Tấm bia không quá lớn so với các tấm bia khác ở Lăng Tực Đức, hay Lăng Minh Mạng.. nhưng được trạm khắc tinh sảo , cho đến ngày nay tấm bia vẫn sừng sững như đang kể lại câu chuyện và cuộc đời của Vua Gia Long ( vị vua đầu tiên của Triều Nguyễn )

Thánh Đức Thần Công

Vừa nói lên nỗi lòng tưởng nhớ tiên đế của Vua Minh Mạng, sau kể đến việc khai sáng của vua cha, cuối cùng là một bài minh ca tụng những công đức đó với những lời lẽ đầy thiết tha

3. Khu lăng mộ – Bửu Thành

Phần lăng của Thiên Thọ lăng được đặt trên đồi Chính Trung

Đầu tiên là Bái đình ( sân chầu ) lát bằng gạch Bát Tràng. Hai bên là tượng hai voi, hai ngựa cùng mười quan văn võ được tạc hoàn toàn bằng đá uy nghiêm

Sân Chầu

sân chầu

Năm 2002, 2 hàng tượng bị hư hại, ngựa bị xúc chân, voi thì bị gãy vòi – 2005 được sửa chữa phục dựng lại 1 phần

tượng quan văn võ

tượng quan văn võ

Tiếp đó 7 cấp sân tế rồi đến là Bửu Thành ở đỉnh đồi.

bái chầu

Bước qua cánh cảnh đồng trăm năm, chúng ta như lạc vào chốn thâm u với các vòm thành bao quanh lăng mộ

bửu thành

Lăng Gia Long

Bên trong cùng là 2 ngôi mộ song táng của Vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Đây là ngôi mộ song táng duy nhất trong quần thể di tích lăng vua Triều Nguyễn

Tóm Gọn

Tổng thể khu lăng có thể chia làm 3 khu vực chánh:

1. Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” Đây là mộ song táng của Hoàng Đế và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Không hoa văn chạm trổ, sơn phết, lộ vẻ uy nghiêm, cũng như tính sắt son, chung thủy. Mộ vua ở bên phải (từ ngoài nhìn vào). Kiểu mộ này chỉ có ở lăng vua Gia Long.

Trước mặt lăng có hồ sen, xa xa có trụ biểu để chỉ báo nơi tôn nghiêm, xa hơn là ngọn núi Đại Thiên Thọ làm tiền án.

2. Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Điện Minh Thành được dùng để thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Minh Thành nghĩa là “sự hoàn thiện rực rỡ”. Cũng có một cách giải thích khác là “hoàn thành vào ngày mai”

Bên trong điện Minh Thành là bàn thờ vua Gia Long và Hoàng Hậu. Trang trí các cổ diềm là những chữ thọ cách điệu

Đi sang phía bên phải ta sẽ gặp sân chầu hay bái đình, có hai hàng quan (2 quan văn và ba quan võ) cùng voi và ngựa. Tượng đá chầu vua là tác phẩm của thời Minh Mạng (lời kể của ông từ)

3. Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha

Men theo các lối đi giữa những đám cỏ và hoa rừng, giữa hồ sen bạt ngàn đang mùa nở, thả bước dưới bóng thông tươi mát để sang thăm các lăng phụ cận. Đáng lưu ý nhất là lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, nằm trong một vị thế u tịch mà sâu lắng. Điện Gia Thành ở đó cũng là một công trình kiến trúc được xây dựng theo mô thức của điện Minh Thành, dùng để thờ người phụ nữ đã sinh ra vị vua có tài nhất của triều Nguyễn – vua Minh Mạng.

Một vài thông tin, công lao của Vua Gia Long

Gia Long, tên húy là Nguyễn Phúc Ánh, thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh. Là vị vua sáng lập nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam

Ông sinh ngày 8 tháng 2, 1762 – mất 1820

Là vị vua thống nhất đất nước, đặt quốc hiệu ” Việt Nam ”

Xác lập chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa

Với tư cách là quốc gia, ông giải quyết các vấn đề biên giới, vấn đề cương vực lãnh thổ , chính sách trị nước, mở đầu cho một vương triều mới và xây dựng kinh đô ở Huế , để lại nhiều di sản rất lớn cho hậu thế

Vua Gia Long đã có 25 năm chinh chiến trận mạc và 18 năm xây dựng, phát triển đất nước

Một bài thơ được khắc trong điện Thái Hòa đã nói lên điều đó

“Nam Sơn Tăng Đại Thọ
Đông Hải Bất Dương Ba
Vạn Quốc Thông Triều Cống
Xa Thư Cộng Nhất Gia”

Câu đầu nói về sự trường cửu của đất nước, câu 2 có ý nghĩa Biển Đông không dậy sống ẩn dụ cho sự thái bình, câu 3 có ý nghĩa các nước lân ban đến Cống Nạp cho Việt Nam, câu cuối Việt Nam là một quốc gia có ảnh hưởng to lớn với các nước lân ban.

sần chầu

Mối Tình sắc son của Vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu

Hai ngôi mộ song táng của Vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, thể hiện tình yêu son sắc thủy chung. Kiểu chôn kháng như vậy người ta còn hay gọi là

” Càng khôn hợp bích “

Người hoang đế duy nhất lúc mất được nằm bên cạnh hoàng hậu, người đã cùng Vua Gia Long vào sanh ra tử, binh biến nhiều năm.

Sử sách cũng ghi chép lại và ca ngợi đức hạnh của Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, những tháng ngày vất vả bà giúp Vua Gia Long gây dựng lại cơ nghiệp

Trong những năm theo Vua Gia Long chinh chiến, bà thay mặt vua hiếu thuận với bề trên, chăm lo kẻ dưới. Tự tay dệt vải cho quân lính , cảm kích trước tấm lòng của bà Vua Gia Long viết

” Ngày trước buôn ba, trẫm khó nhọc ở ngoài, hậu siêng năng ở trong, giúp nhau trong lúc gian nan, trải qua chỗ bằng chỗ hiểm . Duyên trời kết hợp, cùng trẫm tu tề, trong khi mây sấm tối tăm, buổi biển trời khó nhọc, đã vì ta ra sức lo toan. Đất khách lạnh lùng, lòng vui hầu mẹ, ngày đêm không ngại, cố sức giúp ta.”

Nhà vua khắc ghi tình nghĩa vợ chồng trong buổi gian nan lập nghiệp, đã trạm tới tấm chân tình của bậc đế vương. Lúc sống trên yên ngựa, lúc nằm nơi trận mạc , đến khi có được cả giang sơn, Vua Gia Long muốn trọn đời trọn kiếp ở bên người vợ thảo hiền.

Những lần trùng tu Lăng Gia Long

Sự tàn phá của thời gian đã khiến các công trình trong lăng ngày càng xuống cấp, tuy nhiên các Vua Nhà Nguyễn cũng thường xuyên cho tu bổ

Châu Bản Triều Nguyễn ghi chép

” Năm Đồng Khánh thứ 3 tức năm 1888, xây lại nhà Bia lăng Gia Long, sử sách có ghi chép: Xây lại Bi Đình Lăng Thiên Thọ, nguyên kiểu nhà vuông lâu ngày tổn nát, nên đổi dùng gạch vôi xây đắp kiểu cuốn khung để được lâu dài ”

” Năm Thái Thái thứ nhất tức năm 1889, nhà bia bị siêu vẹo, nên đã phái xuất đội Dương Đức Tường đem theo 16 binh lính đi chặt gỗ để chống đỡ nhà bia”

” Năm Thành Thái thứ 16 tức 1904, đã tu bổ điện Minh Thành, Nhà Bia và bậc thềm bảo thành , hình rồng ở bái đình, bồn hoa, bờ hồ, lan can bằng gỗ ở 4 mặt chi phí hết 435 đồng 6 hào 5 xu bạc ”

” Tháng 2 năm Duy Tân thứ 4 tức 1910, bộ binh xin điều thêm 100 lính, tu sửa 4 bên hồ và con đường đi tới Bi Đình, để chuẩn bị đón nhà Vua tới làm lễ tiết Thanh Minh”

” Tháng 6 năm Duy Tân thứ 4, Lăng Thiên Thọ tiếp tục được tu bổ, trong đó tu bổ Điện Minh Thành, chi phí hết 381 đồng, 3 hào 4 xu bạc ”

” Năm Duy Tân thứ 5, tức năm 1911, bộ công tiếp tục dự trù kinh phí, và xin tu bổ phối đường, hộ viện, cung môn và cầu cống ở lăng”

” Năm Khải Định Thứ 2, tức năm 1917, bộ công đã chi dùng hết 807 đồng  9 hào 5 xu, để tu bổ điện Minh Thành, mặt nền tiền sảnh, đường đi trước sân, bồn hoa và tả hữu phối đường”

” Năm 1943, toàn quyền đông dương đã phụ cấp cho Nam Triều 107 nghìn đồng bạc để tu bổ Lăng Gia Long ( Lăng Thiên Thọ ) và các điện Thái Hòa, Cần Chánh, Phụng Tiên ”

Ảnh tư liệu quý về LĂNG GIA LONG

Nguồn từ: The HUE of HUẾ

Hình ảnh về Lăng Gia Long thời xưa qua ống kính của người Pháp

Đứng giữa cảnh trí ấy nhìn ra chung quanh, mình đúng là có cảm tưởng trở nên nhỏ bé giữa vùng núi đồi trùng điệp. Các nhà kiến trúc bấy giờ đã điều khiển được thiên nhiên, bắt phong cảnh chung quanh phải phục tùng ý đồ của con người.

Trở ra về mà lòng mình có phần nhẹ nhõm, vì dù sao mình cũng dành được thời gian đi thăm lăng mộ và tưởng nhớ tới tiền nhân, đặc biệt là người khai hoang mở cõi về miền Nam, xây dựng nên một đế chế hùng mạnh, nền móng cho quốc hiệu Việt Nam, xây dựng bộ luật qui mô, tổ chức bộ máy hành chánh hoàn chỉnh sau thời gian dài loạn lạc. Cũng thương thay khi chế độ này vẫn còn miệt thị công ơn ngài.

Hy vọng một ngày không xa, tên tuổi của ngài sẽ lại lần nữa vọng vang sông núi.

Viết bài: Trung Nguyễn

Xem thêm các bài viết khác về Huế:

Địa chỉ cho thuê xe máy uy tín ở Huế

List Resort Lăng Cô 5 sao ở Huế

List homestay đẹp ở Huế cho bạn lưu trú

List Villa nguyên căn ở Huế phù hợp đoàn đông

avatar about owner post

Hi, Chúng mình là Trung & Trinh!

Chúng mình hy vọng bạn sẽ thích các hướng dẫn, các chia sẻ, mẹo du lịch cũng như giới thiệu cho mọi người về cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Rất mong các bạn theo dõi và ủng hộ chúng mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Quảng Cáo