Xu Hướng:

CHÙA THIÊN MỤ – Đệ Nhất Cổ Tự xứ Huế ngay bên dòng sông Hương

Bài viết thuộc danh mục:Huế

Chùa Thiên Mụ là biểu tượng gắn liền với đất Cố đô bao đời nay, cũng là một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất trong hành trình khám phá thành phố Huế mộng mơ. Đây không chỉ là nơi yên tĩnh, là điểm điểm đến linh thiêng cho các tín đồ Phật tử từ khắp mọi miền mà còn lưu truyền một lời nguyền tình yêu.

Bất cứ ai từng đến với Huế mà chưa ghé thăm chùa Thiên Mụ thì xem như chưa cảm nhận hết vẻ đẹp của vùng đất mộng mơ này. Ngôi chùa đã trải qua biết bao nhiêu đổi thay, thăng trầm của lịch sử. Bởi vậy đối với những ai chưa ghé thăm thì ngôi chùa thực chất là một điểm đến rất đáng để khám phá và tìm hiểu.

Chùa Thiên Mụ

Hãy cùng Blog Du Lịch Phượt 3 Miền khám phá ngôi cổ tự này nhé!

CHÙA THIÊN MỤ – Thắng Cảnh Linh Thiêng Nơi Xứ Huế

Xứ Huế mộng mơ luôn là một điểm đến hấp dẫn thú vị bởi nét cổ kính, di tích cổ xưa của vùng đất kinh kì một thời lừng lẫy. Là trung tâm của dải đất miền Trung, thành phố Huế được ưu ái khi hội tụ đầy đủ sông, biển, núi, đèo,… và muôn vàn thắng cảnh làm say đắm lòng người. Nếu một ngày bạn muốn rời xa chốn phố thị xô bồ, ồn ào tấp nập, hãy cùng người thân và bạn bè hoà mình vào không gian yên ả, nhẹ nhàng, chậm rãi thưởng thức hết cái hay của thành phố mộng mơ này.

chùa nằm trên đồi hà khê

Sở hữu vị trí đẹp như trong tranh trên đồi Hà Khê, chùa Thiên Mụ chắc chắn là một điểm dừng bạn phải ghé thăm để rồi bị ấn tượng với nét kiến trúc độc đáo cùng nét văn hoá tín ngưỡng tôn giáo đặc biệt của xứ “Thuận Hoá” một thời.

Chùa tọa lạc nằm trên bờ Sông Hương và có cảnh trí phong cảnh hữu tình, và thơ mộng. Cũng bởi lẽ đó mà chùa Thiên Mụ từ lâu đã rất nổi tiếng bởi cảnh quang làm mê hoặc lòng người với nét đẹp cổ kính uy nghiêm.

sông hương ngay trước mặt

Chùa Thiên Mụ nằm trên quả đồi Hà Khê thuộc tả ngạn sông Hương cách trung tâm thành phố Huế tầm 5km. Thuở xưa đồi Hà Khê có một ngôi chùa tên là Thiên Mỗ hay còn gọi là Thiên Mẫu của người Chăm Pa cũ, sau đó được xây dựng thành chùa Thiên Mụ như ngày hôm nay.

Lịch sử xây dựng Chùa Thiên Mụ

Chùa Được xây dựng vào năm 1601 bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Huế

Tương truyền rằng khi chúa Nguyễn Hoàng trong quá trình đi xem xét địa thể nhằm chuẩn bị cho việc mở mang bờ cõi nước nhà, xây dựng giang sơn cho nhà Nguyễn sau này, khi đi dọc bờ sông Hương ngược về phía thượng nguồn, người bắt gặp hình ảnh một ngọn đồi nhô lên bên dòng nước xanh uốn khúc giống như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, phía trước trông ra sông dài, phía sau lại có hồ lớn cảnh trí rất đẹp.

một góc Chùa Thiên Mụ

Cùng lúc đó, người dân địa phương ở nơi đây truyền nhau câu chuyện về một bà lão mặc áo đỏ xuất hiện trên đồi rồi nói với người dân rằng “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Tư tưởng của chúa Nguyễn Hoàng như được kết nối với lời truyền lại của người dân nơi đây.

Ngài cho rằng mình chính là vị “chân vua” được nói tới nên đã phát lệnh cho xây chùa trên đồi nhìn thẳng về Sông Hương và đặt tên là “Thiên Mụ Tự”, nghĩa là chùa bà lão nhà trời. Đến thời vua Tự Đức, ngài gặp rất nhiều chuyện chẳng lành, đặc biệt rất lo không có con nối dõi tông đồ. Ngài cho rằng tổ tiên của mình đã đặt tên chùa có chữ “Thiên” phạm đến trời nên ngài quyết định lập đàn cúng và ban lệnh đổi tên chùa thành Linh Mụ Tự vào năm 1862.

Được xây trên ngọn đồi hình chữ nhật hướng Bắc – Nam. Bao bọc xung quanh bởi một vòng la thành xây bằng đá và gạch mang hình dáng như một con rùa

Dưới các đời chúa Nguyễn, chùa Thiên Mụ Huế đã trải qua nhiều đợt tu sửa lớn, trong đó, nổi bật nhất là cuộc trùng tu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Ngoài ra, Nguyễn Phúc Chu còn cho đúc một chiếc chuông lớn với cân nặng lên tới hơn hai tấn vào năm 1710 và trên chuông có khắc một bài minh.

Cho đến ngày nay, chùa vẫn là một trong những trung tâm phật giáo miền Trung và người dân vẫn quen gọi là Chùa Thiên Mụ.

Địa điểm tham quan bên trong Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ được chia ra làm hai khu vực chính là khu trước và sau Nghi Môn. Khu vực phía trước bao gồm tháp Phước Duyên, lầu bia, lầu chuông. Khu vực phía sau của Nghi Môn gồm các điện thờ Phật và các nhà trai, nhà khách, vườn hoa, và sau cùng là vườn thông u tịch.

Tất cả các công trình đều được chăm sóc tỉ mỉ, cùng sự đầu tư bài bản tạo nên những cảnh sắc rất đặc biệt mà không phải ở đâu bạn cũng cso thể tìm thấy được.

1. THÁP PHƯỚC DUYÊN

Nằm ở khu phía trước chùa Thiên Mụ trong tổng thể kiến trúc, thế nhưng tháp Phước Duyên từ bao đời nay lại được coi như là trung tâm của chùa và được bao quanh bảo vệ bởi các công trình khác.

Người dân nơi đây quen gọi tháp với cái tên thân thương trìu mến là tháp Thiên Mụ.

Tháp cao 21m, gồm bảy tầng. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.

Tháp Phước Duyên

Nhằm mục đích trấn yểm cho kinh thành “Tụ long khí bền long mạch”, theo di ngôn của vua Minh Mạng, sau khi lên nối ngôi vua Thiệu Trị đã cho xây một ngọn tháp bảy tầng do vua ngài đích thân vẽ kiểu gọi tên là Từ Nhân Tháp, năm sau đó đổi tên thành Phước Duyên Bửu Tháp.

Tháp được xây dựng từ năm Giáp Thìn (1844) cho đến năm Ất Tỵ (1845) mới xong. 7 tầng tháp sẽ tương ứng mà thờ phụng các đức phật như Thích Ca Mâu Ni, đức Phật Ca Diếp, Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương,…

Tháp Phước Duyên Chùa Thiên Mụ

Do những kiến trúc đặc trưng và sáng tạo về màu sắc, trong đó nổi trội hơn cả là màu sắc của ngói lưu ly, cùng màu hoa văn của gạch có hoa văn lồng hàng chục kiểu khác nhau mà người ta cho rằng bảo tháp Phước Duyên chính là một công trình văn hóa mang sắc thái mỹ thuật đặc trưng trong nền văn hóa bấy giờ.

Với vẻ đẹp mang tính kiều diễm kết hợp với việc lựa chọn một thế đất đắc địa nơi “đầu rồng hướng ra sông Hương uống nước” đã tôn thêm cho vẻ đẹp mĩ miều cho tháp Phước Duyên. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nắng mưa của thiên nhiên, thế nhưng tháp Phước Duyên vẫn đứng vững và như một biểu tượng đặc trưng cho chùa Thiên Mụ, cho người dân xứ Huế nói riêng và người dân cả nước nói chung.

2. ĐẠI HỒNG CHUNG

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương…”

Đã hàng trăm năm nay, tiếng chuông chùa Thiên Mụ luôn ngân vang bên dòng sông Hương, lan xa khắp nơi như biểu hiện cho sự trường tồn bất diệt của một biểu tượng xa xưa trường tồn cùng với dòng chảy lịch sử một thời. Khi bước vào chùa Thiên Mụ để tham quan, chắc chắn du khách sẽ không thể không nán lại để nhìn ngắm chiếc “Đại hồng chung” đã hơn 300 năm tuổi đời.

Đại Hồng Chung

Đại Hồng Chung được chúa Nguyễn Phúc Chu cho lệnh đúc để cúng cho Quốc tự – chùa Thiên Mụ. Đại Hồng Chung nặng 3 tấn, cao 2 mét rưỡi, đường kính miệng tầm 1 mét 4 đặt trong khuôn viên phía trước chùa. Trên đỉnh chuông có chạm một con Bồ Lao một linh vật thích âm thanh lớn, thân Bồ Lao uốn cong lại trên lưng là một bông hoa sen, râu mắt vi chân đều được chạm khắc tinh xảo.

Từ phần chân Bồ Lao có nhiều đường tròn thanh mảnh phân chia thân chuông thành nhiều phần trang trí khác nhau cùng hình rồng phượng được trang trí xen kẽ cùng nhiều chữ hán cổ. Trên chuông có khắc chữ Đại Hồng Chung và đặc biệt hơn là chạm khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu với nội dung “cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc gia thái bình, nhân dân an lạc, tất cả chúng dân đều được thành Phật”.

Đại Hồng Chung không những mang ý nghĩa sâu sắc về lịch sử văn hoá, mà còn thể hiện được khát vọng và tín ngưỡng của người dân ta lúc bây giờ luôn cầu mong về sự ấm no hạnh phúc.

3. Cổng Tam Quan

Cổng Tam Quan có những nét kiến trúc rất riêng có phần ảnh hưởng của lối kiến trúc cổng kinh thành Huế. Phần trên được kiến trúc theo kiểu vọng lâu dạng như nhà bia, bên dưới lại có ba lối đi vào thiết kế theo hình khối vuông hay hình vòm. Phần mái vọng lâu được lợp bằng ngói ống vàng và xanh lưu ly. Các bờ nóc, bờ quyết trang trí hình giao long được cách điệu – một linh vật thời bấy giờ.

một góc Chùa Thiên Mụ

Chính giữa thuyền nóc trang trí hình rồng chầu bánh xe pháp luân. Trên thân của cổng tam quan  được trang trí các câu đối bằng chữ Hán nói lên cảnh đẹp, lịch sử, cùng triết lý phật giáo kết hợp với hoa văn rồn cuộn ghép bằng mẻ sành rất tinh xảo và tit mỉ.

Cổng Tam Quan trông vừa uy nghi, chắc khỏe vừa tạo được cảm giác thanh thoát nhẹ nhành cho hành giả cũng như du khác tới đây vãn cảnh chùa. Cổng Tam Quan ngoài những giá trị nghệ thuật của nó còn là một bài pháp trực quan có ý nghĩa giúp mỗi người khi đến đây đều trở nên thư thái, nhẹ nhành và thanh tịnh.

4. Điện Đại Hùng

Qua cổng tam quan, là Điện Đại Hùng chánh điện của chùa Thiên Mụ. Đây là nơi đặt tượng phật Di Lặc có đôi tai rất lớn nhằm lắng nghe những khổ cực của chúng sinh.

đại hùng điện

Phật có chiếc bụng to để khoan dung những lầm lỗi của dân chúng, khuôn miệng cười tươi rất đôn hậu

tượng phật di lặc

Bên trong chánh điện thờ tam thế Phật được bày trí quy cách.

bên trong đại hùng điện

phia sau sân

Sau nữa là khu mộ tháp của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu nằm ở cuối khu vườn trong khuôn viên của chùa. Công trình này được xây dựng nên để tôn thờ hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa .

khu mộ tháp của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu

Cả cuộc đời ông dành hết cho những hoạt động ích đạo giúp đời, giúp người. Không chỉ thế, ông còn là người có công vô cùng to lớn để phát triển nền Phật giáo ở Việt Nam

xe cổ ở chùa thiên mụ

Đi theo bên hông điện để vòng ra phía sau vườn, nơi đây có nhà trưng bày Chiếc xe Austin gắn liền với sự kiện bi hùng của hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính sách bạo tàn kỳ thị Phật giáo và đàn áp tự do tín ngưỡng của chế độ Ngô Đình Diệm. Hiện nay, chiếc Austin A95 Westminster mang biển số DBA 599 đang được lưu giữ và trưng bày tại chùa Thiên Mụ ở Huế, chiếc ô tô đã cũ kỹ, màu sơn phai nhạt theo thời gian

Thực hư lời nguyền oán tình duyên nơi chùa Thiên Mụ?

Người dân ở đây thường rỉ tai nhau về lời nguyền cứ hễ cặp đôi tình nhân nào đưa nhau đến vãn cảnh chùa sau này đều sẽ có cái kết thúc không có hậu đó là đổ vỡ và chia tay. Trước đây có một cặp đôi yêu nhau nhưng không thành cùng nhau gieo mình xuống sông tự vẫn, linh hồn chàng trai sau khi chết đi trở nên oán hận và gửi lời nguyền vào chùa để chia rẽ những đôi uyên ương.

Cũng chính vì lời đồn trên mà có rất nhiều cặp đôi khi đến Huế du lịch đều rất hối tiếc vì không thể cùng nhau đi tham quan thắng cảnh nơi chùa Thiên Mụ. Thế nhưng sự thật tất cả chỉ là lời đồn, theo như các sư thầy trong chùa kể lại rằng vì ngày xưa ở chùa có rất nhiều cây cối rậm rạp xanh tốt nên các đôi tình nhân thường lợi dụng sự vắng vẻ mà làm những chuyện trái với luân thường đạo lí, người dân bèn nghĩ ra cách dựng nên lời đồn để như một cách giữ toàn vẹn sự thanh tịnh cho nhà chùa.

Tới nay vẫn chưa có ai chứng minh được lời đồn “oán tình duyên” ấy là thực hay giả, chỉ biết rằng sự tò mò và bí ẩn ấy lại càng khiến du khách mong muốn đến và tìm hiểu nhiều hơn về chùa ngôi chùa linh thiêng này.

Địa chỉ: Đồi Hà Khê, số 140 – 142 Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế.

Giờ tham quan: Từ 7.00 đến 17.00 mỗi ngày.

Bạn có thể thuê xe máy để có thể thoải mái dừng lại ngắm cảnh ven đường đến chùa Thiên Mụ hơn, hoặc thuê ô tô đi giành cho gia đình có nhiều người và có người già hay trẻ nhỏ.

Xem địa chỉ cho thuê xe máy ở huế uy tín tại viết này: link chi tiết

Thời điểm thích hợp : Cảnh chùa lúc buổi sáng hay chiều đều có những cảnh đẹp riêng và ấn tượng, bạn có thể chọn đến chùa buổi sáng để tìm kiếm một không gian tươi xanh mát mẻ, hay đến buổi chiều để cảm nhận nét thanh tịnh trầm mặc của cảnh sắc nơi đây. Tùy theo màu trời, màu mây và hình dạng các tảng mây đang trôi trên trời mà bạn có tthể thấy được một Thiên Mụ Tự mang nhiều vẻ đẹp đầy tính nghệ thuật hơn hết mà không phải ở đâu cũng có thể tìm thấy được.

Bên cạnh chùa Thiên Mụ là bến sông có thuyền rồng neo đậu, bạn có thể cùng gia đình trải nghiệm thuê thuyền đi dạo ngắm cảnh ven sông Hương hoặc nghe hát ca Huế trên sông Hương cũng rất thú vị đấy.

Chùa Thiên Mụ là một thắng cảnh đặc biệt ở xứ Huế, đây là một công trình cổ phục vụ đời sống tâm linh con người và cũng là một trong những biểu tượng đặc sắc tạo nên nét đặc biệt cho xứ Huế mộng mơ. Phải đến đây và tận mắt cảm nhận về nét thanh tịnh hoà quyện trong sự cổ kính của vùng đất vua chúa một thời, của một ngôi chùa linh thiêng huyền bí.

Viết Bài: Trung Nguyễn

quan-tam-bai-viet

Tham quan Khiêm Lăng, lăng của vua Tự Đức

Ứng Lăng – Lăng của vua Khải Định

Ghé Hiếu Lăng, cảnh đẹp mê hoặc lòng du khách

Phải ghé Cầu Ngói Thanh Toàn nghe các bạn

avatar about owner post

Hi, Chúng mình là Trung & Trinh!

Chúng mình hy vọng bạn sẽ thích các hướng dẫn, các chia sẻ, mẹo du lịch cũng như giới thiệu cho mọi người về cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Rất mong các bạn theo dõi và ủng hộ chúng mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Quảng Cáo