Chùa Bà Hải Nam 瓊府會館 – Hội Quán Quỳnh Phủ
Bài viết thuộc danh mục: Sài Gòn
Chùa Bà Hải Nam, hay còn gọi là Hội Quán Quỳnh Phủ địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng và thờ cúng của người Hải Nam có từ lâu đời ở quận 5 chợ lớn. Nơi vừa mang giá trị tinh thần vừa lưu giữ kiến trúc nghệ thuật, mang đậm màu sắc văn hoá của người Hoa
Rảnh rảnh lượn lờ quận 5, vô tình tìm được địa điểm này cũng khá là thú vị. Mình cũng đã từng ghé Hội Quán Hải Nam ở Hội An cũng na ná nhau vậy, thôi theo chân mình tìm hiểu về Chùa Bà Hải Nam – Quỳnh Phủ Hội Quán xem có gì đặc sắc nhé.
Hội Quán Quỳnh Phủ – Miếu Bà Hải Nam ở đâu?
Hội quán Quỳnh Phủ (Hội quán chùa Bà Hải Nam) địa chỉ: số 278 đường Trần Hưng Đạo B, Phường 11, Quận 5 TP. Hồ Chí Minh
Rất gần: Chùa Bà Thiên Hậu, Chùa Ông, Hội Quán Tam Sơn… tiện thì bạn nhớ ghé qua tham quan cho biết luôn nhé. Còn muốn tìm chỗ thuê xe máy ở Sài Gòn thì bạn xem ngay: link này
Lịch sử về Chùa Bà Hải Nam – Hội Quán Quỳnh Phủ
Theo di tích lịch sử còn ghi lại trên các bia đá từ năm 1824 cách đây gần 200 năm, do bà con người Hoa nhóm ngôn ngữ Hải Nam đóng góp nhân lực, tài lục xây dựng thành Chùa Bà Hải Nam .
Theo các ghi chép trên các bia đá trong chùa thì trải qua hơn chục lần trùng tu mở rộng, trong đó có 6 lần trùng tu quy mô lớn, chùa mới có quy mô, diện mạo đẹp đẽ, hoành tráng như hôm nay.
Tấm bia ở ngay ngoài cổng còn ghi lại tên đầy đủ những vị đã đóng góp xây dựng Hội Quán
Bà con Hải Nam cùng nhiều bà con người Hoa khác sinh sống lâu đời tại khu vực Sài Gòn Gia Định đã đóng góp tiền bạc mua đất xây dựng chùa, làm nơi tổ chức lễ hội dân tộc, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.
Trải qua hơn 200 năm lịch sử tồn tại với thời gian, Hội quán Quỳnh Phủ ( Miếu Bà Hải Nam ) đến nay cũng đã trải qua 39 nhiệm kỳ. Mỗi nhiệm kỳ Ban Trị sự mới đều không ngừng hoàn thiện điều lệ Hội, luôn tôn trọng tôn chỉ mục đích nhất quán của Hội quán là bảo vệ, tôn tạo di tích, duy trì tín ngưỡng dân gian, bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan, đoàn kết tương thân tương ái, chăm lo phúc lợi đồng hướng và tích cực tham gia công ích xã hội.
Bà con Hải Nam cũng như bà con người Hoa đã sống chan hoà và sát cánh cùng anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Có nhiều chiến sỹ cách mạng quê quán Hải Nam đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Để ghi nhớ công lao của các liệt sỹ Hải Nam, vào năm 1988 Hội quán Hải Nam đã dựng đài liệt sỹ trong nghĩa trang Hải Nam toạ lạc tại thị trấn Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kể từ đó hàng năm vào dịp tiết Thanh minh và Ngày thương binh liệt sỹ (27/7), chùa đều tổ chức và dâng hoa tưởng niệm.
Hội quán Quỳnh Phủ – Chùa Bà Hải Nam đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng chứng nhận “Di tích lịch sử – văn hoá” cấp quốc gia cấp ngày 28/12/2001 là niềm cổ vũ, động viên và cũng là niềm tự hào cho bà con người Hải Nam.
KKday là nền tảng APP du lịch cung cấp hơn 20,000+ sản phẩm trực tuyến như: Vé vui chơi tham quan, dịch vụ ngoài trời, tham quan du lịch, trải nghiệm ẩm thực, di chuyển, lưu trú, khoá học và văn hoá địa phương... Hiện đang có ưu đãi chào hè giảm tới 50% và coupon giảm giá lên đến 250K
Mã ưu đãi hấp dẫn: Mua 1 tặng 1 áp dụng tới 31/07....
Chùa Bà Hải Nam thờ những ai?
Chùa thờ Thánh mẫu Thiên Hậu, Thùy vĩ Thánh nương, Ý Mỹ nương nương và các vị thần linh khác.
Vậy Bà Thiên Hậu là ai ?
Bà họ Lâm tên Mặc, người làng My Châu, huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phước Kiến. Bà sinh ngày 23 tháng 03 năm Canh Thân (năm 960 dương lịch). Cha là Lâm nguyên, mẹ là Vương Thị. Bà là con út trong một gia đình có một trai sáu gái.
Khi bà sinh ra đến đầy tháng, không nghe tiếng khóc, vì vậy có tên là “Mặc Nương”. Lúc bốn, năm tuổi, Bà thông minh dĩnh ngộ. Tám tuổi Bà theo thầy học chữ, phàm những sách coi xong đều thuộc làu, còn hiểu rõ nội dung ý nghĩa. Lớn lên, Bà quyết chí ở vậy không lập gia đình, quyết tâm suốt đời làm việc thiện, cứu giúp người đời. Bà thường xuyên nghiên cứu y lý , trị bệnh giúp người, chỉ dạy người đời cách phòng ngừa ôn dịch. Vì lớn lên ở bờ biển nên Bà rất thông hiểu khí tượng thủy văn, thông thuộc tính nước, biết dự báo thời tiết. Các tàu đánh cá, thương thuyền, đều được Bà chỉ dẫn và cứu giúp.
Năm bà được 16 tuổi, một hôm cha và anh Bà ra biển chưa về. Đột nhiên khí trời biến đổi, cuồng phong nổi dậy. Sóng biển gầm thét. Bà linh cảm có việc chẳng lành cho cha và anh. Bà lo sợ đến khóc ròng. Khi sóng gió tạm yên, Bà liền chèo ghe ra biển tìm kiếm cha, anh. Cuối cùng trong biển cả mênh mông, Bà cứu sống được cha trở về rồi trở ra vớt xác anh về đem chôn cất. Bà con trong làng ai cũng đến khen ngợi Bà.
Ngày mồng 09 tháng 09 năm Đinh Hợi Hội quán Quỳnh Phủ (năm 987 công nguyên), vào lúc hoàng hôn, Bà lên núi My Sơn, xa xa có tiếng nhạc tiện nghênh tiếp, Bà thoát phàm thai, nhập thánh thai. Bà đã đắc đạo.
Từ đó về sau, những người đi biển thường thấy bà mặc áo bào đỏ, bay lượn trên biển cả, cứu giúp người gặp nạn. Vì vậy, những người đi lại trên biển và cư dân sống trên biển đều họa hình Bà thờ cúng để cầu xin Bà phù hộ được bình an, thuận lợi trên hải trình.
Kiến trúc của Chùa Bà Hải Nam – Hội quán Quỳnh Phủ
Chùa Bà Hải Nam là một kiến trúc nghệ thuật mang đậm màu sắc văn hoá dân gian vùng Nam Hải (Trung quốc) đã xây dựng và tồn tại cách nay gần 200 năm hầu như được bảo tồn nguyên vẹn.
Nổi bật bởi các phù điêu chạm trỗ khéo léo, các bức hoành phi, câu đối, hình ảnh còn lưu lại ca ngợi tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân.
Các hiện vật hầu hết được bảo tồn cho dù thời gian hình thành đã gần 2 thế kỷ. Đặc biệt, nơi đây còn lưu lại các hiện vật quý như : các sắc chiếu của Vua Duy Tân, tranh sơn mài Lục Vân Tiên khá độc đáo.
Cổng vào của Hội quán Quỳnh Phủ
Tiếp theo đó là Sân Thiên Tỉnh – có giếng trời thông thoáng là nơi lấy ánh sáng, hai bên được trồng cây xanh kết hợp với không gian kiến trúc tạo nên màu sắc hài hòa
Các hoành phi câu liễng được phối hợp với kỹ thuật điêu khắc chạm gỗ là nét đặc trung của hội quán Hải Nam ở Quận 5 Sài Gòn
Đặc biệt với 2 đâu đối:
Thiên Tâm Đảng Đảng Đại Tai Càn Chí Tai Khôn Viễn Trạch Tử Tang Thùy Vạn Thế
Hậu Đức Nguy Nguy Hà Chi Thanh Hải Chi Yến Dị Phương Trở Đậu Kỹ Thiên Thu
Hải Nam Lai
Tế Vật Bà Tầm Phong Mã Vân Xa Linh Sảng Diêu Tùng Thiên Ngoại Kiến
Phụng Hinh Giao Long Chỉ Huỳnh Tiêu Đan Lệ Y Quán Tể Từ Hải Nam Lai
Đi vào trong sẽ là Sảnh Tiếp Khách và Chánh Điện Chính
Chánh Điện
Ngoài thờ 3 vị: Ý Mỹ Nương Nương – Thánh mẫu Thiên Hậu – Thủy Vỹ Thánh Nương hai bên chánh điện còn thờ Văn Xương Đại Đế và Phúc Đức Chánh Thần
Một vài hình ảnh khác về Quỳnh Phủ Hội Quán cho các bạn xem qua
Các ngày lễ vía của Chùa Bà Hải Nam
Vào ngày giỗ các bà đều có tổ chức nghi lễ lớn.
Quỳnh Phủ Hội quán hàng năm có những hoạt ông đã trở thành truyền thống từ lâu đời và được duy trì cho đến nay như:
– Sáng mồng một Tết Âm lịch, bà con đồng hương người Hải Nam hội tụ về Hội quán cùng nhau chúc mừng năm mới, an khang thịnh vượng và cúng Bà.
– Rằm tháng Giêng – Tết Nguyên Tiêu: tổ chức diễn xuất hát tuồng bằng ngôn ngữ Hải Nam và các chương trình ca múa dân gian, Lân sư rồng để phục vụ bà con người Hải Nam và quảng đại quần chúng.
– Ngày Thanh Minh: tổ chức xe đưa đón miễn phí phục vụ bà con đi tảo mộ và ngày 27-7 viếng bia tưởng niệm các liệt sĩ con em người Hải Nam đài liệt sĩ tại nghĩa trang của Hội quán Hải Nam thuộc địa bàn xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
– Về tín ngưỡng dân gian, bà con người Hải Nam rất coi trọng việc thờ cúng các vị Thần tại chùa Bà Hải Nam :
- – Ý Mỹ Nương Nương: Mùng 10 tháng 2 AL
- – Thánh mẫu Thiên Hậu | Ngày 23 tháng 3 AL
- – Thủy Vỹ Thánh Nương Ngày 15 tháng 10 AL
- – Giỗ tổ Huệ Quang Ngày 27 tháng 9 AL
Các ngày lễ giỗ nói trên theo tục lệ đều có nghi lễ cúng bái trang trọng nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, sự nghiệp thành đạt.
Nguồn: có tham khảo thêm từ tư liệu của Hội Quán Quỳnh Phủ
Viết bài: Trung Nguyễn
Xem thêm các địa điểm tham quan ở Sài Gòn hấp dẫn:
Hào Sĩ Phường – con hẻm đã trải qua hơn 100 năm
Hồ Con Rùa – nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử ở Sài Gòn
Nhà Hát Thành Phố – kiến trúc đặc sắc hơn 100 năm tuổi của Sài Gòn