Xu Hướng:

Nhà Hát Thành Phố – kiến trúc đặc sắc hơn 100 năm tuổi của Sài Gòn

Bài viết thuộc danh mục:Sài Gòn

Opera House hay Nhà Hát Lớn Thành Phố ( Nhà hát Thành Phố ) là nhà hát đầu tiên của Sài Gòn – Nhà Hát Giao Hưởng – Nhạc, Vũ Kịch Thành Phố Hồ Chí Minh một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cũng là một biểu tưởng của Sài Gòn xưa và nay, nơi gợi nhớ dấu ấn về thời hòn ngọc viễn đông – Sài Gòn kinh đô của thuộc địa Pháp đầu thế kỷ 20.

Nhà Hát Thành Phố

Là một người con của Sài Gòn, nên việc bỏ lỡ khám phá nơi này quả là một điều thiếu sót. Cũng ráng rong ruổi một buổi thiệt lâu để khám phá xem những hoạt động ở đây, rồi ngắm nghía mọi góc nhìn về công trình kiến trúc này quả thật là ưng ý.

Bất kể bạn là người ưa thích tìm hiểu về văn hóa hay chỉ đơn giản là yêu thích những công trình kiến trúc đẹp, thì hãy cùng mình tìm hiểu xem công trình Nhà Hát Thành Phố có gì đặc sắc nhé, và nếu bạn có dịp đến với Sài Gòn thì nhớ ghé qua đây nha, nó cũng nằm ở ngay trung tâm thành phố, kế bên đường hoa nguyễn Huệ nên dễ tìm lắm…

Lịch sử hình thành của Nhà Hát Thành Phố

Sau năm 1863 Pháp chiếm được thành Gia Định, người Pháp đã đưa đoàn hát đầu tiên từ chính quốc sang biểu diễn phục vụ cho quan chức, sĩ quan, binh lính Pháp tại Sài Gòn.

Bạn đầu các buổi biểu diễn được tổ chức tại nhà gỗ của thủy sư đề đốc La Grandière – Công trường Đồng Hồ (Place de l’Horloge) góc đường Nguyễn Du – Đồng Khởi hiện nay. Chủ yếu là múa balê và opera do chính quyền Sài Gòn tài trợ.

Tuy nhiên không gian chật hẹp đó không đáp ứng được nhu cầu giải trí tăng cao của người Pháp, chính quyền quyết định xây một Nhà Hát Lớn. Tuy nhiên chi phí cho việc này rất lớn, chưa xin được ngân sách từ chính quốc nên chính quyền Pháp ở Sài Gòn cho xây tạm một nhà hát nhỏ tại lô đất ở đường Catinat, bên cạnh vị trí dự định xây Nhà Hát Lớn (là vị trí khách sạn Caravelle sau này).

nhà hát thành phố thời xưa

nhà hát thành phố thời xưa

Mặc dù Opera House ( tên gọi xưa ) là công trình để phục vụ người Pháp nhưng công trình này lại không được chính người Pháp ở Sài Gòn ủng hộ, thậm chí rất nhiều ý kiến phản đối, vì cho rằng nhà hát tương đối nhỏ (chưa đầy 600 ghế) mà chi phí lại quá lớn, tiêu tốn tới 2.500.000 francs. Mặc dù vậy dự án vẫn được triển khai, vì ông thị trưởng Paul Blanchy cho rằng một thành phố lớn như Sài Gòn phải có nhà hát lớn dùng cho hoạt động văn hóa, xứng đáng với vị thế thành phố trung tâm của Nam Kỳ.

Đến năm 1898, khi đã có ngân sách thì Opera House mới bắt đầu được khởi công xây dựng.

Đầu năm 1900, nhà hát khánh thành và được dân chúng gọi là “rạp hát Tây” và là công trình do người Pháp xây dựng đầu tiên ở Sài Gòn.

Mãi tới năm 1907, nhà hát này mới gây được uy tín. Các đoàn hát thường từ Pháp sang, ký hợp đồng trước với Dinh Đốc lý Sài Gòn theo chế độ khoán. Mỗi năm, nhà hát chỉ biểu diễn khoảng 6 tháng mùa khô, từ tháng 10 trở đi.

Đến  năm 1918 chính quyền đã cho phép Opera House mở cửa cho cả người bản xứ. Đó là ngày 18-11-1918, lần đầu tiên người Việt Nam tổ chức biểu diễn tại Opera House với một màn trình diễn kịch pha cải lương. Nhưng ngay cả việc có thêm các chương trình của người Việt cũng không cứu vãn được sự vắng vẻ, vì “khách ăn chơi bị các hộp đêm, quán ăn có nhạc, có khiêu vũ giúp vui thu hút gần hết, còn một mớ khác lại thích cine, chớp bóng nói, vừa lạ vừa hấp dẫn hơn”.

Sau năm 1954, nhà hát được chuyển công năng thành tòa nhà Quốc hội, rồi Hạ nghị viện của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

nhà hát thành phố thời xưa

Suốt giai đoạn 1955-1975, nhà hát thành phố chỉ làm công việc chính trị. Bộ mặt công trình được thay đổi cho phù hợp với công năng mới, các họa tiết hoa văn nhỏ tiếp tục bị dỡ hẳn, hàng cột tròn bị phá bỏ. Lối kiến trúc tạo đường nét vuông vức để phù hợp với vị thế của một trụ sở hội họp chính trị.

Sau năm 1975, nhà hát được trả lại chức năng ban đầu là tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

Năm 1993, UBND TP HCM đặt tên là Nhà hát Giao hưởng và thính phòng, sau đó đổi thành Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, vũ kịch. Nơi đây chuyên xây dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm.

Năm 1998, khi đã hoàn thành việc phục chế nhà hát, các cuộc hội họp chính trị đã không còn được tổ chức tại đây nữa. Lúc này hai pho tượng nữ thần bằng đá trước cửa nhà hát đã được phục chế, trả lại không gian nhà hát đúng với công năng biểu diễn nghệ thuật, không phù hợp với mục đích chính trị nữa.

Nhà Hát từng là trụ sở Quốc Hội và Hạ Nghị Viện thời VNCH

Theo như mình tìm hiểu thì được biết, ngày xưa thời việt nam cộng hòa thì nhà hát thành phố từng là hội trường của Quốc Hội và Hạ Nhị Viện thời chế độ cũ

Sau 1954, Nhà hát Thành Phố được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chuyển công năng thành Tòa nhà Quốc Hội của thời Đệ Nhất Cộng Hòa, rồi thành Hạ nghị viện của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Xen giữa thời gian đó, nơi này từng được mang tên là Nhà Văn Hóa.

Chính quyền cũ đã tu sửa lại phía mặt tiền cho phù hợp với công năng mới như:

  • Các họa tiết hoa văn nhỏ tiếp tục bị dỡ hẳn.
  • Phần họa tiết trang trí hoa văn trên cửa đi vào được thay đổi thành các đường kẻ sọc ngang gợi hình ảnh quả địa cầu.
  • Lối kiến trúc tạo đường nét vuông vức để phù hợp với vị thế của một trụ sở hội họp chính trị.

nhà hát thành phố thời xưa

nhà hát thành phố thời xưa

Năm 1955, khi đệ nhất cộng hòa được thành lập thì chính quyền đã đổi công năng của Nhà Hát thành nhà Quốc Hội.

Từ năm 1963 đến năm 1967, vì quốc hội bị giải tán nên tòa nhà này mang tên là Nhà Văn Hóa. Đó là thời điểm đệ nhất cộng hòa bị lật đổ, đệ nhị cộng hòa chưa hình thành và Miền Nam Việt Nam do hội đồng quân sự lãnh đạo nên không có quốc hội.

Năm 1967, khi quốc hội chính quy được tái lập, chia thành 2 viện giống như nhiều nước phương Tây khác là Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện. Chính quyền chọn Trụ sở Quốc Hội cũ (tức Nhà hát) để làm Trụ sở Hạ Nghị Viện, và chọn Hội Trường Diên Hồng làm trụ sở Thượng Nghị Viện

Sau năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Opera House trở lại công năng ban đầu là nơi trình diễn nghệ thuật, đổi tên thành Nhà Hát Thành Phố cho đến nay

Kiến trúc độc đáo của Nhà Hát Thành Phố

Là một công trình kiến trúc đặc sắc của Sài Gòn, mang đậm phong cách Gothique thịnh hành tại Pháp cuối thế kỷ 19. Công trình do nhóm kiến trúc sư người Pháp là Félix Olivier, Eugène Ferret và Ernest Guichard thiết kế.

Với sự kết hợp khéo léo giữa kiến trúc phương tây và nghệ thuật điêu khắc, trong đó trang trí điêu khắc là chủ đạo, từ mặt ngoài đến nội thất đều đắp nhiều phù điêu và tượng nổi.

Nhà Hát Thành Phố

Nhà Hát Thành Phố

Các họa tiết trang trí lẫn vật liệu xây dựng chính đều được đặt hàng sản xuất và vận chuyển từ Pháp qua.

Với nhiều bức phù điêu hoa văn và họa tiết, cùng với hai pho tượng nữ thần trước cửa vào theo phong cách Phục Hưng làm nột bật lên vẻ đẹp cổ kính của Nhà Hát Thành Phố

Nội thất bên trong nhà hát được trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh và ánh sáng. Ngoài tầng trệt còn có 2 tầng lầu nên sức chứa của nhà hát lên tới 1.800 chỗ ngồi.

Hệ thống các ô cửa vòm với dãy lan can nhô cao được thiết kế mang đậm nét kiến trúc cổ điển Pháp thời ấy, đây chắc chắn là chi tiết khiến Nhà hát Thành phố trở nên sang trọng hơn trong mắt khách du lịch.

Bên hông nhà hát

Bức Bích Họa ART NOUVEAU Còn Nguyên Vẹn Trên Mái Vòm

Nhà hát Thành phố mang những đặc điểm của phong cách kiến trúc thời Đệ nhị Đế chế, một thời kỳ mang nhiều phong cách lịch sử của châu Âu, trong đó có Baroque

Khi khảo sát các bức tranh tại nhà hát, chúng ta có thể nhận ra sự tương đồng đáng kể với bộ tranh bốn mùa của Alphonse Mucha (1860 – 1939 ). Ông là họa sĩ tiêu biểu của trường phái Art Nouveau với ảnh hưởng sâu rộng lên nhiều nghệ sĩ trang trí sau này. Có lẽ trong quá trình lựa trọn đồ án trang trí cho Nhà Hát Thành Phố, các họa sĩ đã tham khảo trực tiếp các sáng tác chả Mucha và chuyển thể lên bức tranh này

kiến trúc của nhà hát

kiến trúc của nhà hát

kiến trúc của nhà hát

Năm nhân vật ở vòm là France và bốn mùa: Printemps – Xuân, Été – Hạ, Automne – Thu và Hiver – Đông.

France – Hình tượng một người phụ nữ tượng trưng cho tinh thần nước Pháp phổ biến trong nghệ thuật Pháp giữa thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20

Hiver – Sự lạnh giá của mùa đông được thể hiện bàng chiếc áo choàng mà nàng Đông khoác lên người. Màu xanh của chiếc áo, đối với Mucha là biểu tượng cho khả năng hồi sinh.

Automne – Thu đội trên đầu bằng một vòng cúc trắng đại đóa – biểu tượng của mùa thu

Automne – Nàng Hạ tóc nâu mang một vẻ đẹp chững chạc và nghiêm túc. Hạ đối với Mucha tượng trưng cho giai đoạn trưởng thành trong vòng đời.

Printemps – Mùa Xuân đội trên đầu một vòng hoa trắng, tượng trưng cho sự ngây thơ, khởi đầu và sức sống.

Rất nhiều đôi chụp hình cưới – lưu niệm tại đây

Dạo một vòng xung quanh nhà hát, khung cảnh quá đỗi vintage cổ kính, mình thấy rất nhiều các bạn trẻ ngồi từng nhóm trò truyện hóng mát cực kỳ rôm rả.

Buổi sáng đến đây bạn sẽ hay gặp các cặp đôi chụp hình cưới, địa chỉ chụp hình cực kỳ đẹp

Còn buổi tối thì cực kỳ đông vui và nhộn nhịp vì phía trước mặt nhà hát là phố đi bộ nguyễn Huệ nên rất đông người dân đến vui chơi giải trí

bên hông nhà hát

đối diện nhà hát

bus city tour

đạp xe

Có cô chú lớn tuổi bán bánh tráng nướng với đồ ăn vặt cho khách dạo phố ghé mua thưởng thức

À Ố Show – hoạt động thường niên của nhà hát

Hiện nay Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như: Giao hưởng thính phòng, biểu diễn kịch nói, cải lương, ca nhạc, múa ba lê, dân tộc, opera cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.

Đặc biệt là À Ố Show đang được tổ chức biểu diễn hàng tuần dành cho người dân thành phố và khách du lịch tận hưởng một buổi biểu diễn chuyên nghiệp đẹp mắt

À Ố Show được dàn dựng công phu và diễn tại nhà hát thành phố – một công trình có hơn trăm tuổi… cảm giác tuyệt vời khi được ngồi trong khán phòng thưởng thức mọi thứ từ âm thanh, ánh sáng và mọi dụng cụ diễn viên sử dụng. Cả show diễn là sự kết hợp hoàn hảo và đặc sắc.

À Ố Show

À Ố Show

Ngoài ra còn các show diễn khác như: Làng Tôi, Sương Sớm, Ter Dar, Palau …

Bạn có thể đặt vé trên: https://ticketbox.vn/aoshow

Phía sau lưng nhà hát có “trà sữa Bố Già” vỉa hè mang đi rất đông vào buổi tối

Buổi tối ở ngay góc đuôi phía sau Nhà Hát Lớn Thành Phố có chỗ bán trà sữa quán cực kỳ đông khách, đó là trà sữa Bố Già. Cứ tầm giấc 6h30 – 7 giờ tối trở đi, là cực kỳ đông khách mà đa phần là các bạn trẻ đến mua, để qua bên Phố đi bộ hoặc ngồi trước nhà hát để nhâm nhi và trò chuyện với bạn bè

trà sữa bên hông nhà hát thành phố

Nói quán cho sang, thực ra trà sữa Bố Già chỉ là quán cóc, tất cả các món nước được làm sẵn bỏ vào ly nhựa cho zo bịch, người mua chỉ cần order là có ngay

Mình có order 1 ly trà sữa Đào với ly trà vải mà ở giá cực rẻ, chỉ từ 20.000 đồng – 30.000 đồng. Hèn chi đông quá trời đông

Bạn có thể ngồi ngay bậc thềm nhà hát, vừa uống vừa có thể ngắm đường phố trong một không gian rộng vô cùng thoáng đãng cực kỳ thoải mái

Nhà hát Thành phố chắc chắn là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp đã góp phần làm tăng thêm vẻ sang trọng và duyên dáng cho Sài Gòn. Hy vọng một vài thông tin trên sẽ giúp cho bạn có thêm một địa điểm thú vị trong chuyến hành trình khám phá sài gòn của mình, thấy hữu ích nhớ chia sẻ giúp mình nhé.

Viết bài và tổng hợp: Trung Nguyễn

Nguồn tham khảo thêm từ: Tản Mạn Kiến Trúc

Xem thêm các bài viết khác trên Blog Phượt 3 Miền

Địa điểm cho thuê xe máy ở TP.HCM (Sài Gòn) giá tốt từ 80k/ngày

Lăng Lê Văn Duyệt | Lăng Ông Bà Chiểu

Ghé Dinh Độc Lập tìm hiểu về lịch sử, thăm kiến trúc đẹp

avatar about owner post

Hi, Chúng mình là Trung & Trinh!

Chúng mình hy vọng bạn sẽ thích các hướng dẫn, các chia sẻ, mẹo du lịch cũng như giới thiệu cho mọi người về cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Rất mong các bạn theo dõi và ủng hộ chúng mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Quảng Cáo