Xu Hướng:

Bảo Tàng Thành Phố Hồ Chí Minh một công trình kiến trúc đặc sắc

Bài viết thuộc danh mục:Sài Gòn

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh ( Dinh Gia Long xưa) đây là một bảo tàng lưu trữ nhiều hiện vật mang đậm dấu ấn của lịch sử và văn hóa, đây cũng là một địa điểm tham quan ở Sài Gòn hấp dẫn bởi nét kiến trúc đặc sắc.

Bảo Tàng Thành Phố Hồ Chí Minh

Bảo Tàng Thành Phố trưng bày các cổ vật và mô hình phục dựng điểm nổi bật của kinh tế, văn hóa lịch sử của Sài Gòn xưa và TP.HCM hiện đại. Cùng Blog Du Lịch Phượt 3 Miền ghé thăm và tìm hiểu về Bảo tàng thành phố xem có gì thú vị nhé

Lịch sử về Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh – Dinh Gia Long xưa

Vào cuối thế kỷ 19 ở Sài Gòn, thời mà quân Pháp vẫn còn tại Miền Nam Việt Nam, họ đã xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc đồ sộ mang phong cách Tây Phương để người Pháp sử dụng, tiêu biểu như Dinh Nodorom ( Dinh Độc Lập ), Dinh Xã Tây, Ủy ban Nhân dân Thành phố và một tòa dinh cũng khác vô cùng bề thế nữa được xây xong vào năm 1890, đó chính là Bảo tàng Thành Phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Bảo Tàng Thành Phố là tòa dinh chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong hơn một thế kỷ ở Sài Gòn với bao lần thay đổi chủ và công năng sử dụng.

Tòa Dinh Thự do người Pháp xây dựng từ năm 1885 đến năm 1890 thì hoàn thành. Ý tưởng ban đầu là muốn xây dựng một bảo tàng về thương mại ở Đông Dương. Sau khi xây xong, vì tòa nhà quá đẹp, lại ở vị trí đắc địa của thành phố nên Thống Đốc Nam Kỳ đã chọn đây làm tư dinh của mình.

Dinh Gia Long thời xưa
Dinh Gia Long thời xưa – Ảnh sưu tầm
Dinh Gia Long thời xưa
Dinh Gia Long thời xưa – Ảnh sưu tầm

Từ đó đến năm 1945, các đời thống đốc đều sử dụng nơi này như tư dinh.

Bảo Tàng Thành Phố Hồ Chí Minh
Mặt trước của bảo tàng

Sau năm 1945, xảy ra nhiều biến động của lịch sử, tòa dinh thự đã chứng kiến sự đấu tranh và hy sinh oanh liệt của người dân Sài Gòn như:

  • Học sinh Sài Gòn đã biểu tình tại đây lúc này Nha Thủ Hiến Nam Phần đòi thả học sinh bị bắt do bãi khóa, phản đối chính sách phản động của thực dân cuộc biểu tình bị đàn áp.
  • Đàn áp bắt bớ Trần Văn Ơn

Những chao đảo và thay đổi chủ nhân của tòa dinh này thì nhiều nhưng phải kể đến hai khoảng thời gian dồn dập:

Vào năm 1945, có 5 thế lực tranh nhau chiếm dinh tòa nhà và đã năm lần thay đổi chủ nhân

  • Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Dinh trở thành tư dinh của thống đốc Yoshio Minoda (người Nhật).
  • Tháng 7 – 1945 Nhật đầu hàng đồng minh, lúc này dinh trở thành Dinh của đại thần Khâm Sai Triều Đình Huế – chính quyền vua Bảo Đại – Trần Trọng Kim.
  • Ngày 28/05/1945, dinh trở thành trụ sở của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ – thời điểm đó Dinh thự này đã chứng kiến không khí sôi sục của cách mạng tháng 8 năm 1945. Lực lượng cách mạng nhanh chóng bắt giam Khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm của triều đình Huế, hạ cờ quẻ ly treo cờ cách mạng.
  • Ngày 10 -9 -1945, Trung tá B. W Roe (phái bộ quân sự Anh) ngang ngược chiếm dinh, buộc Ủy ban Nhân dân Nam bộ phải dời về dinh Đốc lý (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
  • Tháng 09/1945, Tòa dinh thự chứng kiến lễ tước gương chấp nhận đầu hàng của quân đội Nhật trước đại diện quân đồng minh Anh.
  • Sau hiệp định Geneve, tòa dinh thự lại trở thành trụ sở của chính quyền Bảo Đại ở miền Nam. Tổng thống Ngô Đình Diệm dùng tòa nhà này làm Dinh Quốc khách
  • Sau khi chiếm lại Sài Gòn, từ ngày 23-5-1947, Pháp giao dinh này cho Lê Văn Hoạch làm trụ sở chính phủ Nam kỳ tự trị và sau đó chuyển cho Trần Văn Hữu làm dinh Tổng trấn (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần (từ 2-6-1948).
  • Từ năm 1954 đến năm 1962, Dinh nhiều lần đổi tên và công năng: Dinh Đốc Phủ qua Dinh Thủ Hiến đến Dinh Quốc Khánh.
  • Năm 1962, dinh Độc Lập bị ném bom, Tổng thống Ngô Đình Diệm thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa bị ám sát hụt tại Dinh Độc Lập, nên ông đã chuyển sang sống tại Dinh Quốc Khánh ( Bảo Tàng Thành Phố ngày nay). Từ đó dân Sài Gòn gọi dinh thự là Dinh Gia Long.

Một góc của bảo tàng thành phố

Sau thời tổng thống Ngô Đình Diệm, tòa dinh chứng kiến dồn dập nhiều sự kiện lịch sử thời đệ nhị Cộng Hòa:

  • Đến năm 1963, đảo chính diễn ra, anh em Diệm, Nhu bị ám sát.
  • Năm 1966, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu ( đệ nhị cộng hòa ) lên thay. Ông chuyển về Dinh Độc Lập mới xây cất xong.
  • Lúc này Dinh Gia Long lại một lần nữa chuyển công năng thành trụ sở Tối Cao Pháp Viện.
  • Sau ngày giải phóng 30/04/1975, Ủy Ban Công Quản tiếp nhận tòa Dinh Gia Long và tổ chức nhiều cuộc triển lãnh về cách mạng miền Nam. Cũng trên cơ sở đó, năm 1978, Ủy ban thành phố ra quyết định thành lập Bảo tàng cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Đến năm 1999, Bảo tàng được nâng cấp và đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh như ngày nay.

Video về Lịch Sử Bảo Tàng Thành Phố Hồ Chí Minh, nhớ xem qua để biết hơn về nơi này nhé

Trải qua gần 100 năm sóng gió của lịch sử, tòa dinh thự giờ đây đã trở lại bình lặng, đúng với mục đích xây dựng ban đầu, mang chức năng bảo tàng.

Giá trị kiến trúc của Bảo tàng TP.HCM

Tòa nhà do kiến trúc sư người Pháp – Foulhoux vẽ kiểu và thiết kế, được xây dựng năm 1890 theo kiểu cổ điển – phục hưng: mặt tiền của tầng lầu mang đường nét Tây phương, nhưng phần mái lại mang dáng dấp Á Đông.

Mục đích ban đầu của tòa nhà là Bảo tàng Thương mại trưng bày những sản vật trong nước. Vì thế ở hai bên cửa chính có hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp và các phù điêu trang trí đắp nổi đều lấy biểu tượng thần thoại Hi Lạp cùng với cây cỏ và thú vật vùng nhiệt đới.

Nhưng khi xây xong, tòa nhà trở thành tư dinh Thống đốc Nam kỳ Henri Eloi Danel.

1/ Kiến trúc Bên ngoài Bảo Tàng Thành Phố

Tòa Dinh Thự uy nghi đồ sợ đã tồn tại gắn bó với vùng đất Sài Thành hơn 100 năm nhưng vẫn còn giữ được những nét kiến trúc ban đầu. Phong cách Tây Phương đặc trưng mà người Pháp đem đến kết hợp với nhiều chi tiết bản địa Việt Nam.

Mặt chính tòa dinh mang dáng dấp đặc trưng của kiến trúc tân cổ điển Pháp, cùng nhiều hoa tiết trang trí sinh động.

  • Mặt chính diện trên mái Dinh, người Pháp đặt biểu khuôn mặt vị thần thương mại Hermers Mercury theo thần thoại Hy Lạp làm hình tượng đại diện cho cả tòa Dinh.
  • Hai bên là rắn cuộn, biểu tượng cho sự thịnh vượng.
  • Hàng dưới có hình chiếc khánh lớn, biểu trưng cho sự giàu có theo văn hóa Á Đông. Đầu khánh được tạt hình chim ó mạnh mẽ.
Tượng vị thần thương mại Hermers Mercury
Mặt tượng nữ thần thương mại Hermers Mercury

Nhiều chi tiết khác như bông lúa – hàng cây biểu trưng cho sức sống của miền đất phương Nam nói chung, Sài Gòn Gia Định nói riêng

Các hình tượng như cá hóa rồng, cá sấu dữ tợn – chúa tể của sông nước đầm lầy được đặt ngay trên móc mái

Tượng cá hóa rồng

Những cây lá rậm rạp được cách điệu thành phù điêu nghệ thuật, hay bồ nông ngậm mồi – một tạo hình thể hiện sự trù phú của sông nước nam bộ

kiến trúc độc đáo của bảo tàng thành phố

Những hàng cột trụ to ngay trước mặt Dinh được đặt đều nhau vừa uy nghi đường bệ theo phong cách Hy Lạp vừa tạo nên đường nét cổ kính.

Trên đầu mỗi cột được tạc một gương mặt người chiến binh cộng hòa Pháp cực kỳ chi tiết và tinh xảo.

Tượng chiến binh cộng hòa Pháp

Tượng chiến binh cộng hòa Pháp
Phía dưới đó là đầu sư tử uy mãnh.
Tượng chiến binh cộng hòa Pháp
Biểu tượng chiến binh của công trình Bảo Tàng này

Bên trên, tòa dinh được lợp bằng mái ngói âm dương. Đây là một trong những tinh hoa của kiến trúc Việt Nam, tạo cho dinh thự một vẻ tinh tế và giúp dinh luôn thoáng mát phù hợp với điều kiện khí hậu vùng nhiệt đới như ở Sài Gòn.

Kiến trúc của bào tàng thành phố hồ chí minh

Cột và phù điêu có ở tất cả bốn mặt của tòa nhà và ở hành lang cong lượn duyên dáng nối tòa chinh với dãy nhà phía sau.

Chính vì sự bề thế và uy nghi đã khiến cho tòa nhà Bảo tàng Thành Phố Hồ chí Minh xứng đáng là một trong những công trình kiến trúc hoành tráng nhất của Sài Gòn.

Phía bên ngoài Bảo tàng Thành Phố ngay phía trước và bên hông có trưng bày máy bay, trực thăng, xe tăng, pháo cao xạ đã có mặt trong các sự kiện lịch sử năm 1975.

Thêm vào đó, súng thần công từ thế kỷ 15 và xe ô tô cổ cũng tạo nên vẻ riêng cho Bảo tàng thành phố ngay từ lối vào.

2/ Kiến trúc bên trong bảo tàng – cầu thang bộ độc đáo ngay chính giữa sảnh

Đi từ cửa vào tầng trệt bạn sẽ bắt ngay ngay cầu thang bộ được thiết kế uốn lượn đặc trưng theo phong cách Phương Tây cực kỳ sang trọng, làm nổi bật lên cả một không gian phía tầng trệt

Đây cũng là địa điểm hot nhất của bảo tàng được nhất nhiều các bạn trẻ cũng như khách du lịch ghé đến để check in lưu giữ kỷ niệm

Cầu thang gỗ ở sảnh chính mang phong cách cung điện phương Tây, từng đường nét uốn lượn mềm mại mỹ miều

Thuyền gỗ được trưng bày

Thuyền gỗ thời xưa được trưng bày ngay dọc hành lang

Dọc Hành Lang

Ngoài ra, dọc hành lang còn trưng bày rất nhiều hiện vật cổ khác như: máy may, xe cổ, xe ngựa kéo, mô hình phục dựng tòa nhà xưa…

Bảo tàng còn hay thường tổ chức triển lãm về các chủ đề, những nhân vật lịch sử, người có sức ảnh hưởng… Đợt mình đi thì thấy có triển lãm về những công trình những cống hiến của giao sư Trần Văn Khê, xem có khá hay và biết thêm nhiều điều thú vị

trưng bày hiện vật của giáo sư trần văn khê

trưng bày triển lãm của giáo sư trần văn khê

3/ Hầm trú bom có từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm

Thời điểm năm 1962, như mình đã có liệt kê ở phần lịch sử, tổng thống Ngô Đình Diệm dọn về đây ở và làm việc, với tâm trạng bất an từ việc ám sát hụt làm trước nên đã cho xây dựng công trình tầng hầm này..

Xung quanh căn hầm này có nhiều giai thoại đồn rằng, hầm ở dinh gia long có thể dẫn lên Chợ Lớn và đến cả Sông Sài Gòn. Sự thật hầm chỉ ở trong khuôn viên dinh và để trú bom đạn mà thôi, không thêm mật thất dẫn ra ngoài.

Một đoạn đường hầm ngắn, vừa đủ 2 người đi 2 chiều, được lót gạch bông dưới sàn. Phía cuối hầm là một vài hiện vật trưng bày như bàn ghế làm việc của TT. Ngô Đình Diệm thời xưa

Bàn ghế làm việc của Tổng Thống

Các phòng trưng bày của Bảo tàng Thành Phố Hồ Chí Minh

Đi vào bên trong Dinh thự, bạn sẽ cảm nhận rõ phong cách phương Tây đậm nét trong nội thất của tòa nhà trong không gian. Hai tầng của tòa nhà được chia thành 9 gian trưng bày cố định:

  • 1. Phòng “Thiên nhiên – khảo cổ”
  • 2. Phòng “Địa lý – hành chính Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh”
  • 3. Phòng “Thương cảng, Thương mại – dịch vụ”
  • 4. Phòng “Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”
  • 5. Phòng “Văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh”
  • 6. Phòng “Đấu tranh cách mạng 1930 – 1954”
  • 7. Phòng “Đấu tranh cách mạng 1954 – 1975”
  • 8. Phòng “Kỷ vật kháng chiến”
  • 9. Phòng “Tiền Việt Nam”

Trưng bày cổ vật ở bảo tàng

Phòng trưng bày Thương Cảng – thương mại dịch vụ nơi trưng bày hơn 500 hiện vật đã ghi lại quá trình hình thành và phát triển giao thương ở Sài Gòn – chợ Lớn.

Trưng bày cổ vật ở bảo tàng

Ở tầng triệt, khi bước vào bạn sẽ thấy bên phải là phòng Công Nghiệp và Tiểu Thủ công Nghiệp.

Các hiện vật được trưng bày ở đây như: đúc đồng, kim hoàn, gốm sứ,dệt may từ thế kỉ 19 đến ngày nay.

Phòng trưng bày “Tiền tệ Việt Nam” là phòng mình thích nhất ở Bảo Tàng Thành Phố. Với nhiều loại tiền từ thời phong kiến đến tận ngày nay

Thông tin về Bảo Tàng Thành Phố cho bạn tiện tham quan

1/ Giờ mở cửa tham quan

Bảo tàng mở cửa từ: 7h30 đến 17h00 từ thứ Hai đến Chủ nhật, kể cả lễ tết

Website: https://hcmc-museum.edu.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/museumofhcmc/

2/ Địa chỉ Bảo Tàng Thành Phố

Địa chỉ: 65 Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Hướng dẫn đường đi: Khúc này là đường một chiều nên bạn chú ý đường đi nghe, được xem trên google maps cho tiện. Nhớ vào cổng bảo tàng bên đường Lý Tự Trọng nha.

Gửi xe máy 5.000đ/ lượt, trả ngay lúc gửi.

3/ Giá vé tham quan Bảo tàng thành phố hồ chí minh

Vé vào cửa Bảo tàng Thành phố là 30.000đ/lượt/khách – tham quan bao lâu cũng được

Nếu có thẻ sinh viên, bạn sẽ được giảm giá.

4/ Chụp hình ở Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh

Nếu bạn chụp hình bằng điện thoại thì không tốn thêm khoản phí nào

Còn chụp bằng máy ảnh DSLR thì cần phải mua thêm vé chụp hình 20.000đ/máy.

Nếu bạn là studio chụp hình cưới, kỉ yếu thì liên hệ phòng vé để đăng kí. Giá vào khoảng 500.000 đồng/đôi cô dâu chú rể và ekip thêm 5 người, nhiều người hơn sẽ tính thêm phí.

Vé tham quan bảo tàng

Lúc đi tham quan mình bắt gặp một vài cặp đôi đang chụp hình kỷ yếu, lookbook cũng như hình cưới tại Bảo Tàng, cực kỳ là vintage và sang trọng

Phía ngoài cổng là quán cafe Highlands dùng một góc bảo tàng để sử dụng thành quán cafe cũng đẹp lắm, các bạn mỏi chân thí ghé quan đây cũng khá tiện

quán cafe highland ngay trong bảo tàng

Tổng kết chuyến đi

Là người con của Sài Gòn, mà đến tận hơn 30 nồi bánh chưng đi khách mọi nơi mà chưa tìm hiểu về nơi mình sinh ra, quả là một điều thiếu sót.

Bảo Tàng Thành Phố là một trong các địa điểm thuộc bài viết “ Sài Gòn trong tôi ” của mình, một địa điểm khiến mình đặc biệt ấn tượng bởi lịch sử gắn liền với công trình cũng như kiến trúc mà nó đang khoác lên.

Nếu có dịp đến với Sài Gòn – thành phố xinh đẹp và nổi tiếng bởi sự náo nhiệt và hiếu khách. Hãy một lần ghé bảo tàng thành phố bạn nhé, hãy tự thưởng cho mình một khoảng thời gian sống thật chậm, lắng đọng trong không gian yên tĩnh, bạn sẽ nhận được nhiều điều giá trị mà nơi đây đem lại đấy.

Viết Bài: Trung Nguyễn

Xem thêm các địa điểm tham quan hấp dẫn khác ở Sài Gòn:

Chùa Ông Quận 5 – Hội Quán Nghĩa An

Chùa Bà Thiên Hậu 天后廟 – Tuệ Thành Hội Quán

Hội Quán Tam Sơn 三山會館

Hội Quán Quỳnh Phủ

Hào Sĩ Phường

avatar about owner post

Hi, Chúng mình là Trung & Trinh!

Chúng mình hy vọng bạn sẽ thích các hướng dẫn, các chia sẻ, mẹo du lịch cũng như giới thiệu cho mọi người về cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Rất mong các bạn theo dõi và ủng hộ chúng mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Quảng Cáo