Xu Hướng:

Hồ Con Rùa – nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử ở Sài Gòn

Bài viết thuộc danh mục:Sài Gòn

Các bạn trẻ ở Sài Gòn ngày nay, hay chọn Hồ Con Rùa làm địa điểm tụ họp trò chuyện hay một điểm hóng mát ngay tại trung tâm. Nó là một hồ nước nhỏ nằm ngay bùng binh được thiết kế có hình bát giác với nhiều cây xanh tươi mát to lớn được trồng xung quanh.

Mình tìm hiểu thì khá bất ngờ về nơi này, ngoài cái tên Hồ Con Rùa mà người dân vẫn thường hay gọi thì địa điểm này còn thêm gần 6 cái tên khác nữa như là: Đài Phun Nước, Công Trường Ba Hình, Công Trường Chiến Sĩ Trận Vong, Công Trường Quốc Tế Viện Trợ, Công Trường Duy Tân… Ứng với mỗi cái tên sẽ là một giai đoạn lịch sử khác nhau của công trình này.

Hồ Con Rùa ở Sài Gòn

Nếu bạn là người Sài Gòn hay một vị khách du lịch sắp đến với Sài Gòn, hãy cùng mình tìm hiểu và khám phá địa điểm tham quan cực kỳ thú vị và quen thuộc này nhé.

Hồ Con Rùa ở Sài Gòn có gì đặc biệt

Hồ Con Rùa là tác phẩm kiến trúc cảnh quan có giá trị cao về nghệ thuật sắp đặt, điêu khắc đô thị và thiết kế đương đại. Công trình đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng chính thiết kết độc đáo của nó từ thời điểm được xây dựng và cả đến ngày nay đã hơn mấy chục năm nhưng cũng không bị lỗi thời.

Về bố cục thì sinh động không theo kiểu cổ điển phải đối xứng, cân đối nặng nề, mà là những lối đi có đường cong mềm mại phía trong hồ, được bao bọc bởi hình bát giác, phần tháp giữa hồ hòa cùng hàng cây xung quanh nó.

Hồ Con Rùa ở Sài Gòn

Mình đã sống và làm việc tại Sài Gòn hơn 30 năm nhưng chỉ đi ngang qua chứ chưa từng dừng chân đứng lại và ngắm nhìn nó một cách chi tiết, quả thực đó là một điều thiếu sót. Càng thiếu sót hơn khi tìm hiểu về lịch sử xây dựng và hình thành thì Hồ Con Rùa đúng là một công trình mang tính hoài niệm, gắn bó biết bao thế hệ người dân Sài Gòn.

Đến đây bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình giữa một thành phố xô bồ tấp nập, không gian nơi đây sự thực nhẹ nhàng, ít thấy sự hối hả bởi đập ngay vào mắt đó là những hình ảnh các cô chú, các bạn trẻ đang hồi hóng mát thư giãn trong khuôn viên Hồ Con Rùa

Bản thân vật liệu tạo nên công trình cũng đã có giá trị lịch sử, đã gắn với thời điểm nó được xây dựng. Vẫn giữ được dấu ấn thời gian, sự rêu phong, niên đại công trình

Công viên có nhiều cây cổ thụ to rất mát, xung quanh có bố trí rất nhiều ghế cho người dân và du khách ngồi hóng mát. Chưa kể là bao quanh hồ có rất nhiều quán cafe nổi tiếng tạo nên một ốc đảo cafe chính hiệu, với nhiều góc cảnh view đẹp cho du khách ghé qua đây check in

Dù là giấc sáng, trưa hay chiều tối đều tấp nập các bạn trẻ ngồi thành từng tốp hàn thuyên, hay các cô chú lớn tuổi ngồi hóng gió ở đây. Mà đặc biệt là buổi tối cực kỳ đông vui luôn, chính vì thế mà hàng quán ăn vặt nhỏ lẻ mọc lên khá nhiều đôi lúc cũng làm mất trật tự công cộng.

Mẹo nhỏ: nếu là khách du lịch thì hãy tìm địa chỉ uy tín thuê một chiếc xe máy ở Sài Gòn để tha hồ vi vu khám phá nhé

Một vài bất cập – hình ảnh chưa đẹp cần thay đổi

Là một địa điểm tham quan ở Sài Gòn thu hút đông các bạn trẻ nhưng phần đỗ xe là thấy hơi bất cập. Chạy một vòng xung quanh hồ nhưng mình không thấy bãi đỗ xe hoặc chỗ gửi xe, đây là yếu tố quan trọng không kém, thấy đa phần là dựng xe ngay xung quanh hồ. Điều này làm phát sinh ra chỗ giữ xe tự phát nhem nhuốc, mất sự hoàn thiện đồng bộ trong tổ chức đô thị.

Từ mặt đường mà lên bậc thềm vào hồ rất cao, các bạn trẻ thì không sao nhưng đối với người lớn tuổi hoặc trẻ em thì đó là không thuận tiện, có thể xây thêm bậc thang để dễ dàng đi lên đi xuống xung quanh hơn

Phía trước hồ con rùa nhìn ra nhà thờ đức bà
Phía trước Hồ Con Rùa là Nhà Thờ Đức Bà

Phía trước hồ con rùa nhìn ra nhà thờ đức bà

Điều mà mình cảm thấy cực kỳ phản cảm tại đây đó là những thùng rác lớn đặt như một bãi tập kết rác, chảy nước hôi thối thành từng vũng, khá là mất mỹ quan đô thị, mong là thời gian tới chính quyền giải quyết vấn đề anỳ

Nếu có nhà vệ sinh công cộng, free WiFi nữa thì tuyệt, đảm bảo Hồ Con Rùa sẽ là điểm đến lý tưởng của người dân địa phương lẫn khách du lịch.

Thiết nghĩ là chúng ta phải cố gắng bảo tồn nguyên vẹn, nguyên bản công trình này. Mà mình đọc thông tin thì sắp được Hồ Con Rùa được đầu tư chỉnh trang lên đến 40 tỷ đồng thì không biết sẽ như thế nào. Hy vọng sẽ là một điểm tích cực từ chính quyền quản lý

Buổi tối ở Hồ Con Rùa rất nhộn nhịp đông vui

Hồ Con Rùa là nơi tấp nập về đêm chốn tụ tập của các bạn trẻ từ sinh viên đến những cô chú lớn tuổi và trẻ nhỏ thường dắt nhau ra đây hóng mát với nhiều cây xanh nhất Sài Gòn ở xung quanh hồ.

Hồ Con Rùa Về Đêm

Đây còn là nơi ăn vặt cực kỳ phong phú với rất nhiều món ngon bán ở các góc xung quanh hồ, nhìn rất vui mắt và kiến những khách ăn vặt như tui có rất nhìu sự lựa chọn

Hồ Con Rùa Về Đêm

Đây là góc ăn vặt mình chọn ở Hồ Con Rùa…Vì mình thấy nó sạch sẽ, thoáng mát, hợp vệ sinh quang trọng là đông người mua thức ăn ở đây hehehe.

Hồ Con Rùa Về Đêm

Bánh tráng nướng, bánh trứng cút, hột gà nướng, bắp xào, khoai nướng…. Giá từ 20k – 55k thôi các bạn có ai đang đói ko kakaka

Hồ Con Rùa Về Đêm

Trên các lối đi những người bán còn làm những bảng quảng cáo to tướng để thu hút thực khách đôi khi cũng làm chắn lối đi

Khu vực vòng xoay Hồ con rùa bao quanh bởi các quán cà phê nổi tiếng như: Highland Coffee, Phindeli, Cộng Cafe hay trà sữa phúc long nổi tiếng.

Quán cafe ở Hồ Con Rùa

Quán cafe ở Hồ Con Rùa

Quán cafe ở Hồ Con Rùa

Quán cafe ở Hồ Con Rùa

Quán cafe ở Hồ Con Rùa

Quán cafe ở Hồ Con Rùa

Lịch sử xây dựng và hình thành Hồ Con Rùa

Theo nhiều tại liệu lịch sử mình đọc thì thời điểm xây dựng Hồ Con Rùa chưa được xác định chính xác. Một số tài liệu cho là nó được xây dựng vào năm 1965, vài tài liệu khác thì cho là 1967.

Người thiết kế Hồ con Rùa là kiến trúc sư Nguyễn Kỳ. Mẫu thiết kế của ông được chọn trong cuộc thi tìm quy hoạch mới cho địa danh này (Nguyễn Kỳ nay sống tại Sydney, Australia).

1. Cổng thành Khảm Khuyết – cửa Vọng Khuyết

Nguyên thủy ban đầu ( tức năm 1790 ), tại vị trí Hồ Con Rùa hiện nay, là vị trí cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy).

Về sau vua Minh Mạng đổi tên thành cửa Vọng Khuyết. Tuy nhiên sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835) thì vào năm 1837, nhà vua đã cho phá thành Bát Quái và xây dựng một ngôi thành nhỏ hơn mang tên là thành Phụng.

Vị trị cửa Khảm Khuyết trở thành một điểm ở ngoài thành và nối thẳng con đường ngoài mặt tây thành xuống bến sông.

2. Đài Phun Nước

Vào năm 1878, tháp nước được xây tại vị trí Hồ Con Rùa ngày nay để cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng gọi là Công trường Tháp Nước (Place de Château d’eau). Tháp xây kiên cố, khá cao, có thang hình xoắn ốc dẫn lên tới đỉnh.

Đài Phun Nước
Hình ảnh: Internet

3. Công trường Maréchal Joffre

Đến năm 1921 thì tháp nước bị phá bỏ do không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu cung cấp nước nữa. Vị trí này trở thành giao lộ như ngày nay, với tên gọi là Công trường Maréchal Joffre (cắт giao lộ là đường Testard – nay là đường Võ Văn Tần – và đường Larclauze – nay là đường Trần Cao Vân).

Sau đó, công trường này mang tên Thống chế Joffre (1852-1931), người từng cầm quân xâm lược nước ta ở Bắc Kỳ.

4. Công Trường Ba Hình

Ngày 11/11/1927, người Pháp đã cho xây dựng tại vị trí này một tượng đài ba binh sĩ Pháp bằng đồng với hồ nước nhỏ để tưởng niệm lính Pháp và lính Đông Dương chết trong thế chiến thứ nhất.

Hằng năm cứ đến ngày 14 tháng 7 (Quốc Khánh Pháp) thì quan chức Pháp (chính quyền thuộc địa) kéo về đây để làm lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong.

Tượng các người lính chiến ở đài (Ba Hình) này không có tên (vô danh), hình dáng mặc quần áo trận, mũ sắt, tay cầm khẩu súng Mút (dưới chân tượng là bệ đá hoa cương có khắc hàng chữ Le Soldat Inconnu và nơi này (tượng đài Ba Hình) còn có tên gọi là Công Trường Chiến Sĩ.

Gọi tên là Ba Hình vì có 1 tượng trên đỉnh và 2 tượng ở dưới chân.

5. Công Trường Chiến Sĩ Trận Vong

Các tượng đài này tồn tại đến năm 1956, sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, thì tượng này cũng bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ. Giao lộ cũng được đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.

6. Công Trường Quốc Tế Viện Trợ – Công Trường Duy Tân…

Từ 1970 đến 1974, Hồ Con Rùa thực sự được trùng tu và chỉnh trang trong đó gồm việc dựng thêm và điều chỉnh 5 cột bê tông cao có dạng như một bông hoa nhiều cánh, trên đỉnh là 1 hình tròn to tượng trưng cho đồng xu được hứng bởi những cánh hoa đó, hình ảnh này biểu tượng cho bàn tay xoè ra đón nhận viện trợ.

Con rùa được làm bằng lá đồng mỏng, ốp trên khung sườn bằng thép góc và thép lá. Bia trên lưng rùa một mặt thì khắc câu tri ân các quốc gia đã viện trợ, một mặt khắc tên tất cả các quốc gia này.

Năm 1972 thì đổi tên thành Công trường Quốc tế hay bùng binh Hồ Con Rùa vì dứơi chân có một con rùa đội bia.

Sau năm 1975, các dòng chữ trên tấm bia bị chính quyền mới sơn phủ lên che đi. Đường Duy Tân bị thay tên thành đường Phạm Ngọc Thạch còn đường Trần Quý Cáp đổi thành đường Võ Văn Tần.

7. Tượng Con Rùa Bị Phá Hủy

Buổi tối (quãng 7 hay 8 giờ) ngày 1 tháng 4 năm 1976, phát một tiếng nổ ầm ngay tại con Rùa đồng. Tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ

hình con rùa

Vài tư liệu mình đọc được thì đó là do vấn đề chính trị không tiện nêu ở đây. Chỉ là những chiêu trò làm tổn hại hình ảnh của nhau mà trong đó cuốn sách ” Vụ Án Con Rùa ” của nhà báo Huỳnh Bá Thành xuất bản năm 1982 (do NXB Tuổi Trẻ-Thành phố HCM xuất bản ) là ví dụ điển hình, còn người quốc gia thì nói đây chỉ là cớ bắt bớ văn nghệ sĩ miền Nam. Bạn nào muốn tìm hiểu về lịch sử thì cũng có cái để vọc ha.

Tuy con rùa không còn nhưng người dân Sài Gòn vẫn quen gọi là Hồ Con Rùa, thay cho tên gọi Chính thức.

Hy vọng một vài thông tin trên sẽ giúp cho bạn có thêm một địa điểm hấp dẫn ở Sài Gòn để khám phá. Nhớ like và chia sẻ cho mình nhé

Viết Bài: Trung Nguyễn

Xem thêm các địa điểm tham quan khác ở Sài Gòn:

Nhà Hát Thành Phố – kiến trúc đặc sắc hơn 100 năm tuổi

Lăng Lê Văn Duyệt | Lăng Ông Bà Chiểu

Ghé Dinh Độc Lập tìm hiểu về lịch sử và kiến trúc

avatar about owner post

Hi, Chúng mình là Trung & Trinh!

Chúng mình hy vọng bạn sẽ thích các hướng dẫn, các chia sẻ, mẹo du lịch cũng như giới thiệu cho mọi người về cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Rất mong các bạn theo dõi và ủng hộ chúng mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Quảng Cáo