Xu Hướng:

Lăng Hoàng Gia – Đức Quốc Công Từ nơi thờ ông Phạm Đăng Hưng

Bài viết thuộc danh mục:Tiền Giang

Dân Gò Công quen miệng gọi là “Lăng Hoàng Gia” là gọi kiểu dân gian, thiệt ra phải gọi là “Đức quốc công từ” hay nhà thờ ông Phạm Đăng Hưng thì đúng hơn. Dù là thờ ông ngoại vua Tự Đức, ba của bà Từ Dụ nhưng đây là dòng ngoại, là ngoại thích thì không gọi là “hoàng gia” được.

Lăng Hoàng Gia

Khu Lăng này bao gồm mộ và nhà thờ dòng họ Phạm Đăng của triều Nguyễn, với nhiều sự tích ly kỳ rất đáng để đến đây tìm hiểu và tham quan. Mình cũng đã có dịp ghé qua đây từ 2016, nhưng giờ mới tổng hợp lại được thông tin quả thật là quá thiếu sót. Thôi cùng mình tìm hiểu rõ hơn về nơi này nha.

Lược sử về gia tộc Phạm Đăng và ông Phạm Đăng Hưng

Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764 là người thông minh, tuấn tú. Năm 1794 ông chuẩn bị thi tứ trường thì bị bệnh nên phải trở về quê làm ruộng. Nhưng vì nổi tiếng là người văn tài lỗi lạc và hiền đức nên được bổ làm “Lễ sinh nội phủ của triều Nguyễn” (thời vua Gia Long).

Ông được mọi người biết đến qua nhân vật Ba Bị vì “đi đâu ông cũng mang theo ba bị ngũ cốc để phân phát cho dân nghèo”. Trải qua nhiều lần thăng gián vì bị gièm pha, cuối cùng ông đã được thăng chức “Quốc Sử Quán Tổng tài” năm Minh mạng thứ 2 (1821).

Lăng Hoàng Gia Xưa
Nguồn: Flickr

Năm 1825, Phạm Đăng hưng bị bệnh mất tại Huế nhằm ngày 14 tháng 6 (AL), được vua Minh Mạng thăng hàm “Vinh Lộc Đại Phu Trụ Quốc Hiệp Biên Đại Học Sĩ Thuỵ Trung Nhã” và đưa về an táng tại Sơn Quy. Năm 1826, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây đền thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng gọi là Lăng Hoàng Gia

Năm 1849, vua Tự Đức gia tặng “Đặc Tiến Kim tử Vinh Lộc Đại Phu Thái bảo cần Chánh Điện đại Học Sĩ Tước Đức Quốc Công”. Từ đó, mọi người gọi ông là Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.

Ông chính là cha của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, là ông ngoại của vua Tự Đức.

Có thể nói ông Phạm Đăng Hưng làm quan cũng khá thanh liêm nên lên từ từ tới Thượng Thơ Bộ Lễ. Và có lẽ ông sẽ không có gì nổi trội hơn các ông quan khác nếu không có cô con gái tên Phạm Thị Hằng lấy hoàng tử Miên Tông sau này là vua Thiệu Trị và sanh ra hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (Vua Tự Đức). Qúa trình làm cung phi rồi lên tới đệ tam giai phi, rồi đệ nhứt giai phi của bà Hằng cũng lắm truân chuyên. Nhưng bà Hằng là con nhà có học, bản thân bà cũng biết chút ít chữ nghĩa nên bà trội hơn các bà phi khác, bà thường được vua Thiệu Trị cho theo hầu coi tấu sớ khi đi tuần du.

Lăng Hoàng Gia Xưa
Nguồn: Flickr

Qúa trình giành giựt ngai vàng cho con trai Hồng Nhậm cũng chứng tỏ bà Phạm Thị Hằng khá cao tay. Lúc đó vua Thiệu Trị có con trai lớn là Nguyễn Phúc Hồng Bảo là con trai bà Đinh Thị Hạnh, bà Hạnh là cô họ của bà Hằng, bà Hạnh cũng gốc Gò Công, chính bà Hạnh đã đem cô cháu gái tiến cung. Dù là con thứ nhưng sau cùng Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên ngôi vua lấy hiệu Tự Đức, nói chung công của bà mẹ không hề nhỏ, mẹ khôn thì con sẽ được nhờ. Cho nên vua Tự Đức cực kỳ có hiếu với mẹ là thái hậu Từ Dụ. Dòng họ Phạm Đăng có cô con gái mà vang danh. Đất Gò Công là đất Khổng Tước, gò Rùa cũng là đất âm, cho nên đàn bà lấn lướt đàn ông.

Bà Từ Dụ cực kỳ ảnh hưởng trong cung đình Huế, dân Huế ăn mắm tôm là do bà đem từ Gò Công ra. Các bà quý tộc muốn đúng gu phải nói giọng theo bà Từ Dụ là giọng Nam Kỳ pha Huế trọ trẹ. Ảnh hưởng vậy đó nhưng chưa ai chê bai bà Từ Dụ chút nào được vì bà không loạn triều, không kênh kiệu, không nhún tay vào chánh sự. Qủa là người đàn bà có học. Dù sau đó vua Tự Đức qua đời trước mẹ, bà Từ Dụ mắt bị lòa hoàn toàn, nhưng sự ảnh hưởng vì thế không hề giảm. Trong cung đình, vị trí Tam Cung mà bà đứng đầu cũng khiến người Pháp xâm lăng cũng phải nể vài phần.

Đầu thế kỷ 20 bà Từ Dụ mới qua đời, lẽ dĩ nhiên con gái là con người ta, nhà chồng thờ phụng bà, nên ở lăng hoàng gia Gò Công không có bàn thờ của bà Từ Dụ. Lăng Phạm Đăng Hưng ở Gò Công đã đón hai ông vua Nguyễn tới bái lạy: năm 1942 vua Bảo Đại và Nam Phương, năm 1947 vua Thành Thái đã về đây.

Năm 1992, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) có quyết định công nhận Khu lăng mộ Hoàng gia là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Kiến Trúc của Lăng có gì đáng chú ý

Nhà thờ và mộ Phạm Đăng Hưng là một công trình kiến trúc nghệ thuật hài hoà giữa Âu và Á nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống dân tộc được thể hiện qua các mãng chạm khắc trong nhà thờ và trên lăng mộ.

Vẫn những điển tích được chạm khắc trên mộ và trang trí bên trong nhà thờ rút ra từ “tứ linh, tứ quý” quen thuộc theo quan niệm phong thủy của người Á Đông, mang đậm phong cách truyền thống dân tộc.

Lăng Hoàng Gia

Lăng Hoàng Gia

Cổng vào được xây theo lối tam quan cách điệu, trên mái lợp ngói lưu ly, đỉnh chạm trổ tượng mang hình ảnh “lý ngư vọng nguyệt” (cá chép trông trăng).

Nhà từ đường có mười trụ cột chính giữa, lớn nhất được thiết kế thành hai hàng song song như những đôi bàn tay khổng lồ vươn lên chống đỡ toàn bộ lăng. Những đường hoành, rui, mè đều được thiết kế vô cùng sắc sảo, độc đáo, vững chắc bởi các loại gỗ quý được vận chuyển từ cố đô Huế vào. Có lẽ vì thế mà theo thời gian những cây cột ngày càng trở nên bóng đẹp và cổ kính hơn.

Lăng Phạm Đăng Hưng mang phong cách ba gian hai chái kiểu nhà rường Huế. Cửa, cột kèo cũng rặc Huế, bàn thờ cũng kiểu Huế. Nhìn bàn thờ của họ Phạm Đăng giống y chang bàn thờ trong thế miếu ở Huế.

Đa phần sử dụng chất liệu gỗ để xây dựng, không thể nào tìm ra được một cây đinh nào trong việc gắn kết các các thanh gỗ, kèo, cột ở đây. Tất cả đều được đục mộng tra vào nhau một cách tinh xảo đến tuyệt vời.

Lăng Hoàng Gia

Trong nhà thờ có đặt nhiều biển đại tự để thờ: Gian chính giữa thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng; gian tả thờ ông Phạm Đăng Long là cha của Phạm Đăng Hưng; gian tả ngoài cùng thờ ông Phạm Đăng Tiên (cố); gian hữu thờ ông Phạm Đăng Dinh (nội); hai cuối bên hữu thờ ông Phạm Đăng Khoa (sơ).

Toàn bộ khu lăng mộ nằm trọn trong khuôn viên mát mẻ, có khá nhiều sứ đại cổ thụ, hoa lá cảnh vật bao bọc theo kiểu không gian nhà vườn xứ Huế.

Đền thờ thì rất Huế, nhưng cái mộ ông Phạm Đăng Hưng thì rất tây. Mộ đắp hoa văn kiểu gô tích rất tây, là vì được vua Khải Định trùng tu năm 1924, Khải Định là ông vua phá cách văn hóa.

Giếng ngọc ở Lăng Hoàng Gia

Phía sau nhà thờ, nơi nền nhà xưa vẫn còn cái giếng cổ được xây bằng gạch vồ, nước trong vắt và ngọt lịm. Đến nay vẫn chưa ai xác định chính xác giếng nước này được đào từ năm nào, chỉ biết rằng nó được cho là báo hiệu của một điềm lành, gắn liền với dòng họ hoàng tộc danh tiếng Phạm Đăng.

Lăng Hoàng Gia

Có điều lạ là đến mùa khô, các giếng khác kể cả ao làng sâu 10m đều cạn hết, riêng giếng này không sâu nhưng ngay mạch nước nên nước lúc nào cũng có. Ngày xưa, người dân ở xã Long Hưng đều dùng nhờ giếng nước này. Điều lạ nữa là khi Hoàng Thái hậu Từ Dụ được sinh ra, nước ở giếng này càng trong vắt và ngọt hơn.

Khu lăng mộ

Mộ Phạm Đăng Hưng táng trên gò cao có hình dáng mai rùa. Mộ không xây theo kiểu “ngưu phanh, mã phục” mà được xây theo kiểu dáng “đỉnh trụ” hình bát giác, trông vừa như chiếc nón lá vừa như búp sen.

Mặt sau mộ, xây bình phong hình bán nguyệt, trên có chạm 4 con rồng, dưới có 5 con kỳ lân. “Ngũ đại thành xương – Tường lân ống hiện” (Năm đời danh giá tốt đẹp – Điềm lành kỳ lân hiện ra).

Lăng Hoàng Gia

Vòng quanh mộ ông Phạm Đăng Hưng có một số phù điêu trang trí như búp sen, cá hóa long… lại mang phong cách điêu khắc phương Tây. Những bức phù điêu trang trí trên mộ được xây dựng thêm vào thời vua Khải Định.Có lẽ ông Vua Khải Định đã có một “tư vấn viên” người phương Tây nào chăng?

Cùng nằm trên khuôn viên Lăng còn có hệ thống mộ dòng họ Phạm Đăng được chôn theo một trục dài, toàn bộ đều làm bằng hồ ô dước, bao bọc chung quanh bằng một lớp tường dày và cao 90cm, các ngôi mộ tổ bố cục đơn giản theo hình vuông hoặc chử nhật).

Năm 2020 ngôi mộ được xây mới thêm 2 cánh cung gắn 2 hoa sen ở bên cạnh, 2 cạnh phía trước mộ có thêm 2 tháp nhỏ để đặt 2 bia có liên quan đến ông Phạm Đăng Hưng

Nhà bia phía bên trái là nơi có tấm bia bị thất lạc gần 140 năm , ( lúc trước ở chùa Khải Tường )

Lăng Hoàng Gia

Ngoài cùng là La Thành, giới hạn khuôn viên Lăng. Bên trong là Sân Chầu, với nhà Hành Lễ bên phải, nơi để dành cho mọi đến viếng Lăng. Sâu hơn nữa, Nhà Bia mà phạm vi được qui định bởi Thành Bao hình cung, mở rộng thêm nhờ hai cung Thành bao ở hai đầu. Khu vực này dành riêng cho thân tộc và vua chúa vào viếng lễ. Cấu trúc nền dốc từ trong ra ngoài, cung ranh giới Thành Bao thể hiện rõ tư tưởng phân chia giai cấp của chế độ phong kiến thời bấy giờ. Với phù điêu, những chạm trổ trên Mộ Bia, những long, lân, sư biểu tượng của giai cấp vua quan nơi Nhà Bia khẳng định uy quyền người đã khuất. Hiện nay tại Lăng có đến hai nhà bia, với lý do sau:

  • – Nhà Bia phía bên phải được làm vào năm 1849 bằng đá cẩm thạch trắng (đá Non Nước ở Đà Nẳng). Nhưng khi di chuyển từ Huế vào đến Sài Gòn bị Pháp lấy đem vào đất Thánh Tây Mạc Đỉnh Chi làm mộ bia cho Đại Uý Berbê vừa bị nghĩa quân Trương Định bắn chết. Năm 1999 tấm bia này đã được chuyển về đây.
  • – Nhà Bia bên trái là bia do vua Thành Thái cho làm lại bằng đá hoa cương (đá Ganis) năm 1899. Nội dung cũng giống như tấm bia ban đầu là ghi lại công trạng của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng và dòng họ Phạm ở Gò Công là “Thích Lý của triều Nguyễn”.

Cùng nằm trên khuôn viên Lăng còn có hệ thống mộ dòng họ Phạm Đăng được chôn theo một trục dài, toàn bộ đều làm bằng hồ ô dước, bao bọc chung quanh bằng một lớp tường dày và cao 90cm, các ngôi mộ tổ bố cục đơn giản theo hình vuông hoặc chử nhật).

Cách Lăng 30m về bên phải là nhà thờ dòng họ Phạm Đăng:

  • – Gian giữa là bàn thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.
  • – Gian tả (trái) thờ Phước An Hầu Phạm Đăng Long, cha của Phạm Đăng Hưng.
  • – Gian tả ngoài thờ Mỹ Khá tử Phạm Đăng Tiên, ông cố Phạm Đăng Hưng.
  • – Gian hữu thờ Bình Thạnh Bá Phạm Đăng Danh, ông nội Phạm Đăng Hưng.
  • – Gian hữu ngoài thờ Thiềm Sư Phủ Phạm Đăng Khoá, ông sơ Phạm Đăng Hưng.

Tấm bia ghi công vua ban và câu chuyện 140 năm lưu lạc

Trước lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX. Gò Công) có dựng 2 tấm bia ghi nhận công lao của ngài do chính đức vua ban tặng. Một tấm được dựng ngay sau khi xây lăng mộ, còn 1 tấm phải mất 140 năm mới được đặt đúng vị trí; nếu đi từ bên ngoài vào, đó là tấm bia bên tả.

Đó là tấm bia được tạc bằng đá trắng xứ Quảng Nam (có kích thước 160x120x15 cm) do vua Tự Đức ban tặng để chuyển vào Gò Công đặt tại lăng mộ Hoàng gia, nơi thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.

Lăng Hoàng Gia

Theo tài liệu ghi lại, văn bia do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn vào nămTự Đức thứ 10 (1858) nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Vua Tự Đức sai chở bằng thuyền từ Huế vào Gò Công cùng với tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng.

Nhưng khi tàu thủy chở vào đến cửa Ô Cấp – Vũng Tàu (cửa biển Cần Giờ ngày nay) thì bị quân Pháp bắt giữ, chúng tịch thutoàn bộ, đưa về chùa Khải Tường (hiện nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP. Hồ Chí Minh) cất giữ. Tấm bia triều Nguyễn bị lưu lạc đúng 140 năm sau mới về đến Lăng Hoàng Gia tại TX. Gò Công.

Nhìn thoáng mặt bên ngoài, tấm bia được viết bằng tiếng Pháp, bên trên khắc dấu Thánh giá và tên viên sĩ quan Pháp Barbe, là người đã cướp tấm bia từ cảng Ô Cấp – Vũng Tàu mang về đồn Pháp đóng tại chùa Khải Tường. Tuy nhiên, nhìn kỹ ẩn sau hàng chữ tiếng Pháp là văn bia viết bằng chữ Hán ghi công của Đức Quốc Công.

Sau khi đại úy Barbe chết, vào tháng 12-1860 các sĩ quan mang tấm bia đặt trước mộ Barbé trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (Công viên Lê Văn Tám ngày nay). Mặt trước của bia quay vào trong, bên ngoài (mặt sau bia) ghi tên họ, mộ chí đại úy Barbe. Bên trên dùng sơn màu đen khắc vẽ hình Thánh giá. Ngày nay, trên bia vẫn còn dấu khắc chạm và màu sơn khá rõ.

Liên quan đến tấm bia ghi công và viên đại úy Barbe là câu chuyện về Nàng Hai Bến Nghé, mà sau này được dựng thành vở cải lương nổi tiếng ở Nam bộ “Nàng Hai Bến Nghé“. Trong tác phẩm “Scènes de la vie Annamite” (NXB P.Ollendorff Paris 1884) của 2 tác giả Le Vardier và De Maubryan có kể lại chuyện tình éo le của viên đại úy Barbe với cô gái Bến Nghé tên Thị Ba (còn gọi là Nàng Hai Bến Nghé), người đã theo quân Trương Định khuyến dụ tên Barbe từ đồn chùa Khải Tường đến đồn chùa Ô Ma (Pagode des Mares -Thị Nghè).

Hôm đó là ngày 7-12-1860, trời vừa sập tối, Nàng Hai chưng diện lộng lẫy, xinh đẹp đến chùa Khải Tường, bảo lính canh vào báo quan chỉ huy Barbe biết Nàng Hai đang đợi ngoài cổng đồn để hai người dạo mát, tâm sự.

Nghe tin, Barbe mừng rỡ, vội vàng thay quân phục, không cần lính theo hầu, một mình phóng ngựa ra đón mỹ nhân. Khi Barbe còn cách Nàng Hai chừng mười mét, nghĩa quân Trương Định mai phục bất ngờ từ hai bên đường ào ra kết liễu đời tên xâm lược. Đây cũng là một trong những chiến công đầu tiên của nghĩa quân Trương Định.

Mãi đến tháng 5-1983, khi UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để xây dựng Công viên Văn hóa Lê Văn Tám, sau khi bốc cốt đại úy Barbe đưa về Pháp, các công nhân dọn dẹp san lấp mặt bằng phát hiện một tấm bia đá lớn nhưng không biết đó là báu vật của vua ban lưu lạc trên 140 năm.

Về sau, các nhà khảo cổ phát hiện ẩn bên trong hình cây Thánh giá là chi chít chữ Hán khắc chạm rất công phu và tinh xảo, đọc kỹ  thì đó chính là bia văn do vua Tự Đức ban gởi về Gò Công. Cho đến tháng 7-1998, đúng 140 năm, tấm bia vua Tự Đức ban mới được đưa về ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX. Gò Công đặt bên trái mộ phần của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng đến ngày nay.

Lăng Hoàng Gia được xây trên gò Sơn Quy (có hình con rùa nên dân gian gọi là Gò Rùa, sau được vua Tự Đức đổi thành Sơn Quy) vào năm 1826. Khu lăng mộ được xây dựng trong nhiều năm liền trên diện tích gần 3.000m2, nằm cách TX. Gò Công khoảng 2km và cách TP. Mỹ Tho khoảng 30km.

Dòng họ Phạm đã sống lâu đời và nổi tiếng ở đất Gò Công. Ông Phạm Đăng Khoa là người khai hoang lập nghiệp, Phạm Đăng Hưng là hậu duệ đời thứ tư. Vì là ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng thái hậu Từ Dũ, tước Đức Quốc Công, nên sau khi Phạm Đăng Hưng mất (1825), triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ và được người đời gọi là Lăng Hoàng Gia.

Phạm Đăng Hưng là một vị quan thanh liêm, văn võ song toàn, nổi tiếng liêm khiết nên rất được triều đình và nhà vua trọng dụng, được triệu về kinh giữ chức “Lễ Bộ Thượng thư”. Ngày nay, Lăng Hoàng Gia là một trong những điểm tham quan, du lịch của TX. Gò Công.

Hy vọng một vài thông tin thú vị trên hữu ích với bạn.

Viết Bài: Trung Nguyễn

Nguồn: https://vannghetiengiang.vn/news/Dat-va-nguoi-Tien-Giang/Tam-bia-ghi-cong-vua-ban-va-cau-chuyen-140-nam-luu-lac-4942/

Flickr: https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/36887382104/in/album-72157687106776090/

Xem thêm các bài viết khác về Tiền Giang:

Dinh Tỉnh Trưởng – ngôi dinh Chánh Tham biện Gò Công xưa

Chùa Vĩnh Tràng – một ngôi chùa cổ và đẹp nhất ở miền Tây

Cảng Du Thuyền Mỹ Tho – điểm check in sống ảo sang chảnh

Phượt Gò Công – Tiền Giang thăm kiến trúc cổ cuối tuần

avatar about owner post

Hi, Chúng mình là Trung & Trinh!

Chúng mình hy vọng bạn sẽ thích các hướng dẫn, các chia sẻ, mẹo du lịch cũng như giới thiệu cho mọi người về cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Rất mong các bạn theo dõi và ủng hộ chúng mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Quảng Cáo