Xu Hướng:

Dinh Tỉnh Trưởng – ngôi dinh Chánh Tham biện Gò Công xưa

Bài viết thuộc danh mục:Tiền Giang

Tôi đến thăm Dinh Tỉnh Trưởng Gò Công vào đầu năm 2016. Tất cả các cửa đều khóa, tất cả các lỗ thông với bên ngoài đều bị bít lại, không thể ghé mắt nhìn vào bên trong, chỉ quanh quẩn bên ngoài thể tham quan. Tình cờ lục lại đống hình cũng muốn tìm hiểu lại xem nơi này đã khác xưa ra sao và giờ mới lưu lại đôi dòng chia sẻ cùng bạn đọc.

Dinh Tỉnh Trưởng ở đâu ?

Ngôi Dinh nằm sừng sững trên đường Nguyễn Văn Côn, phường 2, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Vị trí dinh nằm ngay trung tâm Gò Công, dãy phía đông là giáp Sân Vận Động Gò Công và Toà án, Nam giáp đường Thái Lập Thành nay là đường Nguyễn Văn Côn, Tây giáp đường Trần Hưng Đạo và Bắc giáp đường Lộ Dương nay là đường Nguyễn Trọng Dân, xéo qua bên tay trái phía trước là trường Trung học Gò Công.

Dinh Tỉnh Trường Gò Công

Ngày xưa, Dinh tỉnh trưởng này còn được gọi là Dinh Chánh tham biện Gò Công, được người Pháp xây dựng vào năm 1885 để làm trụ sở cơ quan công quyền lớn nhất của Gò Công

Men theo con đường quốc lộ 50 đến với Gò Công dịp cuối tuần để đổi gió sau những ngày code nhừ cả não. Tôi đến với một thị xã nhỏ nhỏ xinh xinh, theo chỉ dẫn của google maps, một cảm giác cực kỳ yên bình ở nơi này.

Và dưới đây là những thông tin mình cóp nhặt được mời bạn tham khảo nhé.

Với hơn 130 năm lịch sử xây dựng

Dinh Tỉnh trưởng tức ngôi nhà ở của Chánh tham biện Gò Công – Thái Lập Thành. Nơi này là một trong những nơi đầu tiên người Pháp tổ chức bộ máy hành chính thuộc địa. Vì vậy ngoài Sài Gòn, Dinh Tỉnh trưởng Gò Công là một trong những dinh tỉnh trưởng được xây dựng đầu tiên và cũng lớn nhất ở Miền Tây Nam Bộ (to đẹp hơn Dinh Tỉnh trưởng Mỹ Tho và các tỉnh khác)

Ngôi dinh thự này xây dựng theo kiến trúc Pháp vào năm 1885 và xây xong vài năm sau, bằng toàn bộ vật liệu được mang từ chánh quốc qua. Dinh thự đồ sộ với quy mô một trệt, một lầu, diện tích khoảng một ngàn thước vuông, kiến trúc tương tự như những dinh tỉnh trưởng khác ở Nam Kỳ, tuy nhiên đây có lẽ là dinh bự nhứt.

Dinh Tỉnh Trường Gò Công

Trải qua hơn 130 năm, có rất nhiều sự kiện lịch sử, dấu mốc gắn liền với dinh Tỉnh trưởng. Theo tìm hiểu thi được biết, từ khi xây dựng đến đầu những năm 1940 trải qua mấy đời tỉnh trưởng người Việt làm việc ở dinh. Năm 1944, tỉnh Gò Công chỉ có 2 viên chức người Pháp là Chánh Tham biện Repion và viên cò Lefort, còn lại là người Việt.

Từ sau 1979, dinh thự này được giao cho nhiều cơ quan khác nhau quản lý và khai thác sử dụng. Phải nói rằng việc sử dụng có lẽ là rất tùy tiện và thiếu chuyên nghiệp (có thời kỳ Đoàn thanh niên đã từng sử dụng Dinh Tỉnh Trường làm địa điểm tập văn nghệ phong trào, quần chúng), nên dinh thự đã xuống cấp nhanh chóng.

Năm 1985, Pháp có gửi một công văn cho Gò Công đề nghị ngưng việc sử dụng Dinh tỉnh trưởng Gò Công, với lý do là đã quá thời hạn sử dụng. Do không có kinh phí, nên đến nay Dinh tỉnh trưởng chưa được trùng tu, sửa chữa và đang xuống cấp trầm trọng. Các vách tường đã bị bong tróc, nứt nẻ, lồi ra những viên gạch thẻ.

Ngày nay dinh bị hư hỏng nhiều, cũng không có tu bổ gì, phần bên trong hư hỏng gần hết, bên ngoài phần tường đã bong tróc như lở loét. Có một thời gian nó được xử dụng làm …nhà nuôi yến và bị người địa phương chửi bới hết chổ nói. Mặc dầu bây giờ không còn nuôi yến nữa, nhưng kế hoạch trùng tu cũng chưa thấy đâu.

Mình được nghe kể lại rằng, ngày trước phía trước Dinh có một cái sạp cho mướn truyện cũ. Mấy đứa nhỏ cứ mỗi chiều Thứ Năm là chạy ra tiệm để canh truyện mới ở Sài Gòn đem dìa để mướn, xong cái xách vô trong hành lang chổ dinh, ngay gốc cây bông giấy ngồi đọc ngon lành. Chổ nầy cũng là chổ lý tưởng để tụi con nít chơi bắn kè, chơi năm mười.

Sẳn nói về ông Chánh Thái Lập Thành (đọc thêm ở link): tên ông được xử dụng để đặt cho một ngôi trường cấp 2 ở Gò Công- Trường Thái Lập Thành hay trường Nhà Đèn. Sau 75, Chính Quyền mới đã xóa bỏ mọi dấu tích của ông, đổi tên trường thành trường THCS Phường 1, tuy nhiên giờ về Gò Công hỏi trường Thái Lập Thành ở đâu, 99% người Gò Công đều biết tỏ (cũng như trường Nam là trường tiểu học Phường 1, trường Nữ là trường nghềGò Công ngày nay). Ở Sài Gòn ngày xưa có hai con đường tên Thái Lập Thành mà ngày nay là đường Đông Du và đường Phan Xích Long.

Nguồn Gốc mình tham khảo được trên Flickr

Năm 1867, Pháp thâu trọn Nam Kỳ, Pháp đổi sáu tỉnh thành 27 vùng Tham biện. Huyện Tân Hoà của cựu trào được đổi thành Tham Biện Gò Công (Inspection de Gò Công) và do một viên sĩ quan Hải quân cấp bực Trung uý làm Chánh Tham Biện. Sau Tham biện Gò Công đổi thành Hạt Gò Công (Arrondissement de Gò Công) và đến ngày 20 – 12 – 1899 bằng một nghị định của Soái phủ Sài Gòn bỏ các Hạt và thành lập tỉnh. Tỉnh Gò Công (Province de Gò Công) chính thức lập kể từ ngày nầy và là 1 trong 21 tỉnh Nam Kỳ kể từ đó. Trở lại dù sau nầy viên chức đứng đầu Tỉnh Gò Công là Tỉnh Trưởng (Chef de Province) nhưng dân Gò Công quen gọi là Chánh Tham Biện (Administrateur) và chỗ ở của viên quan nầy gọi là Dinh Chánh Tham Biện hay Dinh Ông Chánh.

Dinh Chánh Tham Biện Gò Công
Nguồn: Flickr

Dinh được Tây cất kiên cố bằng gạch ngói chở từ chính quốc sang. Đây là dinh thự đồ sộ đầu tiên ở Nam Kỳ (trừ Sài Gòn) bắt đầu xây năm 1885 và xong vài năm sau. Sở dĩ lấy mốc 1885 làm năm xây cất dinh thự nầy là do tôi, người viết những dòng nầy, năm 1985 có dịch cho UB Huyện Gò Công Đông một văn bản do Công Hoà Pháp gởi cho Nhà Chức trách Tỉnh Gò Công cũ, yêu cầu ngưng sử dụng dinh thự dành cho viên Chủ Tỉnh vì dinh thự nầy khi xây cất Sở Tạo Tác thuộc Bộ Hải Quân Pháp dự trù sử dụng 1 trăm năm. Đến năm 1985 là đúng hạn nên báo cho Nhà Chức trách Gò Công đừng sử dụng, nguy hiểm. Gò Công có nhiều dinh thự và ngôi nhà Tây cất nhưng duy nhất chỉ có Dinh Chánh Tham Biện nầy Tây báo cho ta mà thôi. Lúc đó tôi dịch vì tôi là Giáo viên Tổ trưởng Ngoại ngữ của trường Trung học Trương Định, Ủy Ban nhờ trường xem coi văn thư chữ Pháp do Tỉnh chuyển xuống nói gì, Trường giao cho tôi và tôi dịch, xong giao cho Chánh văn phòng Ùy Ban lúc đó là ông Nguyễn Văn Rí. Và Ủy Ban cho ngưng sử dụng dinh thự nầy.

Đi các tỉnh nào thuộc Nam Kỳ cũ ta đều thấy hình dáng kiểu dinh thự nầy. Nhưng Dinh Chánh Tham Biệm Gò Công là to và đẹp hơn hết. Hiện Dinh xưa vẫn còn lại, nét phai tàn lộ rõ vẻ ngoài. Chứng tích còn đó nhưng thời gian sẽ đưa Dinh vào dĩ vãng

Thêm nữa khung viên của Dinh Chánh Tham Biện thật rộng lớn. Đông giáp Sân Vận Động Gò Công và Toà án. Nam giáp đường Thái Lập Thành nay là đường Nguyễn Văn Côn. Tây giáp đường Trần Hưng Đạo và Bắc giáp đường Lộ Dương nay là đường Nguyễn Trọng Dân

Trong khung viên toà nhà Chánh tham biện xưa dọc theo lộ phía Tây (đường Trần Hưng Đạo) có Toà Hành Chánh, nơi làm việc của Chánh Tham Biện và các ban ngành. Tên của toà nầy cho tới năm 1945 kêu bằng tiếng Tây như từ 1868 gọi là Inspection de Go Cong nhưng người dân quen với cách cai trị của Triều đình cũ gọi là Toà Bố

Nguồn: https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/37334301160

Những dấu mộc lịch sử của Dinh Tỉnh Trưởng Gò Công

Ngày 9-3-1945, quân đội Nhật đứng ra đảo chính lật đổ chính quyền Pháp, riêng các tỉnh thì tỉnh trưởng người Việt lên thay. Tại tỉnh Gò Công lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Hải thay Chánh Tham biện Repion do sự thỏa thuận của chính quyền Sài Gòn và sau đó là ông Trần Hưng Ký.

Ngày 23-8-1945, quân giải phóng đứng lên giành chính quyền, tỉnh trưởng Trần Hưng Ký xin giao chính quyền lại cho đồng chí Nguyễn Văn Côn và Lê Văn Philip. Dinh Tỉnh trưởng lúc bấy giờ là trụ sở của cơ quan Đảng và chính quyền cách mạng.

Sáng 26-10-1945, lực lượng bộ binh, pháo binh của Pháp tiến vào Gò Công chiếm lại dinh và hoạt động cho đến năm 1950. Trong giai đoạn này, 3 cuộc hội chợ lớn vào năm 1938, năm 1940 và năm 1942 được tổ chức trong khuôn viên rộng rãi của dinh Tỉnh trưởng.

Trong suốt thời gian nội chiến 2 miền Nam Bắc, dinh Tỉnh trưởng vẫn được dùng làm trụ sở chỉ huy của các quận trưởng và tỉnh trưởng Gò Công.

Đến ngày 30-4-1975, quân giải phóng vào chiếm dinh Tỉnh trưởng làm trụ sở của Tỉnh ủy Gò Công. Đến tháng 4-1976, nhập tỉnh Gò Công với TP. Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang, Gò Công trở thành huyện, cơ quan Huyện ủy Gò Công vẫn đóng tại dinh Tỉnh trưởng.

Tháng 4-1979, huyện Gò Công chia thành 2 huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây. Cơ quan Huyện ủy Gò Công Đông vẫn lấy dinh Tỉnh trưởng làm trụ sở của cơ quan Huyện ủy cho tới khi trụ sở Huyện ủy Gò Công Đông ở Tân Hòa được xây xong.

Kiến trúc của Dinh Tỉnh Trưởng ở Gò Công

Dinh Tỉnh Trưởng Gò Công là một công trình kiến trúc lịch sử văn hóa khá độc đáo, gắn liền với lịch sử và ký ức êm đẹp của bao nhiêu thế hệ người dân Gò Công. Mình cực kỳ mê lối kiến trúc vuông khối và xen kẽ những vài vòm cong uốn lượn ở những khung cửa sổ phía tầng 2

Thoạt nhìn mình thấy cũng kiến trúc và lối thiết kế giống giống Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố mình đã từng ghé qua. Vật liệu xây dựng công trình đồ sộ này chủ yếu là gạch, xi măng, thép, ngói. Các giàn đà và kèo đều bằng thép chữ I, tường rất dày.

Dinh Tỉnh Trường Gò Công

Những mảng tường màu vàng đã hoen ố màu theo thời gian, thậm chí những chiếc ban công còn bị những cành cây cỏ xâm chiếm tạo nên một bức tranh có đôi chút đượm buồn.

Dinh tỉnh trưởng Gò Công có quy mô một trệt, một lầu với diện tích thì rất rộng. Phía trong khuôn viên bên ngoài thì thoáng đãng, cảnh quan gợi nên cảm giác rất yên bình.

Hệ thống cửa ra vào đều to lớn và chắc chắn, hình như đều được làm từ gỗ quý nguyên thủy từ xưa còn được sơn màu xanh coban có là mát mắt phối với nền màu vàng của tường, trời đúng tone màu của mình thích …..

Ngắm nghía một hồi thiệt là lâu vẫn chưa muốn về vì nó quá đẹp, không biết bây giờ ngôi Dinh này có gì thay đổi không nữa. Nếu có dịp quay lại Gò Công chắc chắn mình sẽ quay lại đây…

Ngôi Dinh bị bỏ hoang chưa được bảo tồn

Hiện nay, dinh Tỉnh trưởng Gò Công đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Hầu hết các bức tường, trụ cột của dinh thự đều bị bong tróc, nứt nẻ, lồi những viên gạch thẻ…

Dinh Tỉnh Trường Gò Công

Nhìn bên ngoài thôi cũng có thể thấy ngôi nhà xuống cấp rất nhiều, lại thêm vẻ hoang phế tiêu điều nữa. Buồn cho một công trình đẹp và cổ kính trên 130 năm tuổi. Không biết rồi sẽ ra sao, dinh tỉnh trưởng Gò Công sẽ được tôn tạo hay một ngày gần đây sẽ đổ sụp, và mọi người sẽ lên tiếng tiếc thương.

Địa điểm này còn là nơi check in khá đẹp

Gần đây nhiều bạn trẻ check in Dinh tỉnh trưởng nhờ khung cảnh hợp chụp ảnh theo phong cách cổ điển, nhất là các ô cửa màu xanh, tường vàng. Đến đây, bạn được phép tham quan phía ngoài Dinh tỉnh trưởng nhưng không được vào trong. Vì thế, bạn chỉ mất khoảng một buổi là dạo hết khu này. Dù cây cối mọc um tùm thành bụi, nơi này vẫn là điểm chụp ảnh đẹp.

Hy vọng một vài thông tin trên giúp bạn có thêm một chút kiến thức về lịch sử, cũng như có thêm một địa điểm tham quan thú vị khi đến với GÒ Công, like và chia sẻ cho mình nhé…

Viết bài: Trung Nguyễn

Xem thêm các bài viết khác về Tiền Giang:

Chùa Vĩnh Tràng – một ngôi chùa cổ

Cảng Du Thuyền Mỹ Tho

Ghé Gò Công – Tiền Giang dịp cuối tuần

Nhớ đừng bỏ lỡ Cần Thơ gạo trắng nước trong nhé

avatar about owner post

Hi, Chúng mình là Trung & Trinh!

Chúng mình hy vọng bạn sẽ thích các hướng dẫn, các chia sẻ, mẹo du lịch cũng như giới thiệu cho mọi người về cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Rất mong các bạn theo dõi và ủng hộ chúng mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Quảng Cáo