Xu Hướng:

Chùa Bà Thiên Hậu 天后廟 – Tuệ Thành Hội Quán

Bài viết thuộc danh mục:Sài Gòn

Có thể nói trong tất cả các Hội Quán – Chùa Miếu của người Hoa ở Sài Gòn mà mình đã từng ghé thì tiêu biểu nhất là Chùa Bà Thiên Hậu hay còn gọi một cái tên khác Tuệ Thành Hội Quán. Điểm nổi bật ở nơi đây không chỉ là địa điểm tâm linh tín ngưỡng mà Miếu Thiên Hậu còn đặc sắc bởi kiến trúc đặc trưng ít địa điểm nào có được, kèm theo đó là bề dày lịch sử tính đến hàng trăm năm tuổi

Chùa Bà Thiên Hậu quận 5

Ngôi chùa – hội quán đã hơn 200 năm tuổi này là một chốn linh thiêng giữa đất Sài Gòn phồn hoa, nhắc nhở người ta tìm về chốn bình yên, thanh bình để cầu phước lành cho gia đình và những người yêu thương.

Cùng mình tìm hiểu xem Chùa Bà Thiên Hậu ( Miếu Thiên Hậu ) có gì đặc sắc nhé, xem qua xong chắc chắn bạn sẻ phải nhấc mông lên và khám phá nó ngay đấy…

Lịch sử xây dựng Chùa Bà Thiên Hậu

Lớn lên ở Sài Gòn nhưng tôi ít qua quận 5. Tôi không phải người Hoa và cũng không có liên hệ gì với người Hoa. Có lần tôi được anh bạn chở đi chơi quanh khu quận 5, quận 8, được nghe kể về bến Bình Đông nơi ghe miền Tây từng tụ tập buôn bán, chỉ cho những dãy nhà thấp nhỏ như bối cảnh phim Hongkong, ăn chè hột gà trà. Chợ Lớn xa lạ với tôi quá, như một thành phố khác với nền văn hóa của riêng nó

Theo như tài liệu mình đọc trong cuốn sách về Tuệ Thành Hội Quán do tác giả Lê Văn Cảnh chủ biên xuất bản năm 2000 thì có ghi rõ là không xác định được chính xác miếu được xây dựng từ năm nào.

  • Chỉ biết: Căn cứ vào dấu tích trên một cái chuông bằng gang đúc vào năm Ất Dậu thời vua Càn Long (1795) và nội dung bia đá trong Miếu, được biết sau năm 1800, Miếu đã có một đợt trùng tu lớn.
  • Sau đó, các năm 1825, 1842, 1882, 1890, 1996 cũng có những đợt trùng tu lớn nhỏ.
  • Vào năm 1993 được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia

Nhưng theo những người Hoa lớn tuổi kể lại vào năm 1760, đã có rất nhiều thương buôn đi tàu sang Việt Nam buôn bán làm ăn, do đi tàu sóng to gió lớn, nên trên tàu đều thờ Thánh Mẫu để phù hộ.

Bia ký bằng chữ hán
Bia ký ghi lại mốc thời gian trùng tu

Bia công đức ghi lại sự đóng góp trùng tu miếu vào các đời

  • Đạo Quang thứ 8 (1828)
  • Đạo Quang thứ 10 (1830) – Trùng Tu Tuệ Thành Hội Quán Bi Ký Nguyên Văn Chiếu Lục ,
  • Tự Đức thứ 11(1857)
  • Hàm Phong thứ 9 (1859) – Trùng Tu Tuệ Thành Hội Quán Bi Ký
  • Xưởng Thiết Kế Cơ khí Thủy Xa Bi Ký
  • Quang tự Mậu Tuất niên (1898).

Lúc bấy giờ, tàu bè đi biên phải trông theo hướng gió, thường thì đi lúc mùa gió Bắc và về lúc mùa gió Nam, do đó luôn phải lại Việt Nam vài ba tháng mỗi năm, ” nhiều người trong số thương buôn đã đề nghị hùn tiền xây Miếu để thờ Bà và xây dựng Hội Quán để làm nơi dừng chân của họ “. Sau này vì bên Trung Quốc thời cuộc không ổn định, nên nhiều thương gia đã không về nước và ở lại Việt Nam an cư lạc nghiệp.

Quá trình hình thành xây dựng lên Miếu Bà đã thể hiện rất rõ nét quá trình lao động và hội nhập vào xã hội Việt Nam của bà con người Hoa gốc phủ Quảng Châu từ ngày xưa đến vùng đất hứa Sài Gòn này, đồng thời cũng đã góp sức vào sự hình thành và xây dựng một thành phố 300 tuổi.

Tuy trải qua nhiều năm tháng hơn 250 năm tồn tại, nhưng ngôi Miếu vẫn giữ được nét đặc trưng cũ, phong cách kiến trúc cổ xưa, độc đáo của người Hoa, nhiều hiện vật, nhiều đường nét chạm trỗ, điêu khắc rất có giá trị về lịch sử và mỹ thuật, những hiện vật và kiến trúc này đã thu hút được sự chú ý chiêm ngưỡng của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Ban đầu không tìm thấy bất kỳ tài liệu nào ghi là Chùa Bà Thiên Hậu mà chỉ có tên là Tuệ Thành Hội Quán. Chứng tỏ nơi đây được xây dựng với mục đích ban đầu là nơi hội họp giúp đỡ của những thương buôn người Hoa – sau này mới thờ Bà Thiên Hậu thành ra mới có thêm tên là Miếu Thiên Hậu

Ngày nay, Miếu Bà Thiên Hậu đã tích cực xây dựng nếp sống văn hóa mới, kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan, không chấp nhận những hoạt động bói toán, xin xăm tồn tại.

Miếu là niềm tự hào của người Hoa thành phố, là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia được công nhận vào năm 1995.

Miếu Thiên Hậu thờ phựng những ai ?

Trong Miếu chủ yếu là thờ Thánh mẫu Thiên Hậu, theo truyền thuyết dân gian, Bà tên thật là Lâm Mặc cô Nương.

Bên phải thờ: Long Mẫu Nương Nương và Ngọc Nữ

Bên trái thờ: Kim Hoa Nương Nương

Vị trí chính giữa trang trọn nhất thờ: Bà Thiên Hậu

Hai bên dãy nhà hiên thờ 2 vị: Tài Bạch Tinh Quân và Quan Thánh Đế Quân

Tượng bà thiên hậu

Ngôi Miếu được xây dựng với mục đích: để tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự phò trợ của Bà đối với người Hoa trên đường sang Việt Nam gặp nhiều gian nan. Ngoài ra, các thế hệ người Hoa sau này còn muốn lấy hình tượng Bà Thiên Hậu để giáo dục cho thế hệ tiếp nối về lòng hiếu thuận đối với cha mẹ, tinh thần biết xả thân vì mọi người như Bà.

Đây là một di tích văn hoá tinh thần của cộng đồng người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn, nét đẹp cổ kính. Là nơi thực hiện các nghi lễ văn hoá đặc biệt có hoạt động khai quang điểm nhãn, vía chùa của giới Lân Sư Rồng Chợ Lớn, phản ánh văn hoá tâm linh của cộng đồng người Hoa nơi đây

Kiến trúc độc đáo với nghệ thuật khảm gốm

Bố cục và nội dung được thiết kế thành ba tầng:

  • Tầng mái trên cùng là mô típ lưỡng long tranh châu
  • Tầng giữa gồm quần thể tiểu tượng gốm, chạm hình nhân với các đề tài khác nhau
  • Tầng dưới được tạo hình bằng các con vật như chim muông, thú rừng,… cùng trăm hoa đua nở.
Thiết kế tầng mái
Lưỡng Long Tranh Trâu

Hình tầng giữa là các điển cố như: “Thầy trò Đường Tăng” – Ba Tiêu Động – Thiết Phiến Cung – phần đáy với những tượng nhỏ trên mái là ” Bát Tiên Quá Hải”

Quần thể tiểu tượng bằng gốm do hai lò Bửu Nguyên và Đông Hòa sản xuất vào năm Mậu Thân 1908, kế thừa từ làng gốm sứ nổi tiếng nhất của Hoa Nam – Trung Quốc.

Ngoài tượng “Nhật Thần” bên trái cửa Miếu và tượng “Nguyệt Thần” bên phải cửa Miếu.

Các đề tài thể hiện trên gốm rất đa dạng bao gồm ” Tam Hiệp Sĩ “. “Tam Nương giáo tử”, “Bao Công xử án”, “Thôi tiêu dẫn Phụng”, “Bát tiên quá hải”, “Phúc Lộc Thọ”, ” Nam Sơn Tiến Sĩ” “Ngọc hoàng đại đế”, ” Vương Thiên Hóa”, ” Địch Thanh Tỉ Võ”. “Hán Sở tranh hùng”, “Chung Quỳ Giá Muội”, “Đả võ đài”, “Bái tổ vinh quy”, có hình ảnh tiên đồng ngọc nữ với hàng chữ “Hòa hợp nhị tiên”…

Nghệ thuật khảm gốm tại Chùa Bà Thiên Hậu

Nghệ thuật khảm gốm tại Chùa Bà Thiên Hậu

Nghệ thuật khảm gốm tại Chùa Bà Thiên Hậu

Nghệ thuật khảm gốm tại Chùa Bà Thiên Hậu

Những mô típ hình nhân này đa số đều có nguồn gốc từ các truyện cổ điển như Tây du ký, Tam Quốc, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng,…

Những trang trí này do nghệ nhân có tay nghề được truyền tụng như ông Phan Kim ( còn gọi là Cong giống Phan ) đã áp dụng nghệ thuật tạo hình theo mẫu gốm nổi tiếng .

Kiến trúc miếu xây theo hình ấn dạng chữ tam, là tổ hợp các ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ “khẩu” hoặc chữ “quốc”. Gồm ba dãy nhà kết cấu theo chiều dọc, từ ngoài vào trong có tiền điện, trung điện, chính điện.

Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương

Tham Quan Chùa Bà Thiên Hậu ở Quận 5

Chỉ cách mặt đường một khoảng sân nhỏ, nhưng bên trong chùa Thiên Hậu khác hẳn sự ầm ĩ xung quanh nó. Ngôi chùa này nổi tiếng với những nén nhang vòng treo dưới nắng, khói thơm bay kỳ ảo trên nền trời xanh đặc trưng của Sài Gòn. Hai bên tường là những hàng giấy hồng ghi tên và số tiền quyên góp của người dân, đều tăm tắp và lất phất bay trong từng cơn gió nhẹ. Những khung ảnh xinh đẹp này tôi đã xem thấy từ lâu, hôm nay mới được chứng kiến tận mắt.

Tôi may mắn tìm thấy bên trong chùa Thiên Hậu một sự tĩnh lặng thân quen. Nhưng cái đẹp của chùa Thiên Hậu thì hoàn toàn mới mẻ. Trên mái là những phù điêu gốm chạm khắc vô cùng tỉ mỉ mô tả lại đời sống người Hoa, đều được thuyền buồm mang sang từ Trung Quốc. Chùa xây theo hình ấn, giữa các điện là những khoảnh sân ngập nắng. Màu sắc trong chùa khiến tôi mê mẩn. Ngoài màu đỏ dĩ nhiên phải có, hai mảng tường phủ kín giấy hồng rực, thì phù điêu trên mái và những viên ngói còn mang đến màu xanh lam, xanh ngọc nhẹ nhàng. Một palette hoài cổ rất đẹp

1/ Tiền Điện

Tiền điện đặt hai trang thờ ở hai bên cửa vào.

Tiền Điện Chùa Bà Thiên Hậu

Bên trái thờ Môn Thần, bên phải thờ Phúc Đức Chính Thần.

Tại đây, cũng có bia đá ghi truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu và bức tranh lớn vẽ cảnh Bà hiển linh trên sóng nước.

Tiền Điện Chùa Bà Thiên Hậu

Mô hình ” Thuyền Bát Nhã ” ngay cửa vào – trên có dòng chữ ” Việt Đông Long Tam Hữu Tạo”  – ” Thiên Cung Tứ Phúc ” – “Tây Thiên Cực Lạc Thế Giới ” –  ” Tôi Kim Tích Ngọc, Lực Vị Sùng Cao, Hải Ốc Thêm Trù, Hỷ Sự Trùng Trùng”

Hình đáy là tạo hình hình tượng ” Hải Long Vương Binh Tướng ”

Cửa vào

Cổng chính của Miếu Bà Thiên Hậu đơn giản nhưng trang nghiêm, chữ khắc trên tường là ” Trúc Lâm Thất Hiền ”

Cặp câu cữ trên Củng Môn ghi chữ ” Khổng Tử giáng sinh năm thứ 2460/ Kỷ Dậu trùng kiến 1909.

tiền điện miếu bà

Tiền Điện Chùa Bà Thiên Hậu

Tiền Điện Chùa Bà Thiên Hậu

2/ Trung Điện

Trung điện đặt bộ ngũ sự (một lư hương + hai chân đèn + hai bình hoa), niên hiệu Quang tự thứ 12 (1886) là bộ lư bằng hợp kim lớn nhất so với các lực lượng khác trong miếu của người Hoa ở Việt Nam.

bộ ngũ sự - Chùa Bà Thiên Hậu

Hiện nay, xe chữa cháy này đang được trưng bày ngay tại hành lang Tiền Điện, còn những ống phun nước bằng đồng để chữa cháy trên có dòng chữ “Hội Quán Tuệ Thành Trí”, “Việt Đông tỉnh thành Di Hòa Phát, Thang Vạn Ký tạo” lưu giữ ở miếu. Đây là một đóng góp quan trọng vào việc tạo nên cuộc sống bình an cho cư dân Chợ Lớn thời bây giờ.

Trung Điện - Chùa Bà Thiên Hậu

Lối hành lang dọc hai bên từ tiền điện vào trung điện

Xe chữa cháy

Xe chữa cháy từ thời xưa được trưng bày ngay dọc hành lang

Trung Điện - Chùa Bà Thiên Hậu

Người Hoa cũng mua nhiều vòng nhang tròn cầu an treo ở trong Miếu để cầu nguyện cho bản thân hay gia đình được bình an, tiêu trừ bệnh tật.

Trung Điện - Chùa Bà Thiên Hậu

Trung Điện - Chùa Bà Thiên Hậu

Giếng trời

 

3/ Chính Điện

Tại gian chính điện còn đặt ba chiếc đại hồng chung cổ. Một chiếc bằng gang, trên có ghi: “Càn Long lục thập niên tuế thứ Ất Dậu quý xuân cát đáng” (Ngày tốt, tháng 3 năm Ất Dậu, Càn Long năm thứ 60 – 1795) “Chúng Thương Tuệ Thành Hội Quán đồng kiến”; một được đúc bằng đồng vào năm Canh Tuất 1850…

Chánh Điện Chùa Bà Thiên hậu

Tại “Thiên Hậu Cung” có đặt một chiếc thuyền gỗ, với lá cờ nhỏ có 4 chữ “Phổ độ chúng sinh”.

Hai bên khám thờ Bà là khám thờ Long Mẫu Nương Nương và Kim Huê Nương Nương.

Gian phụ hai bên chính điện thờ Quan Thánh Đế Quân và Tài Bạch Tinh Quân.

Chính giữa là Tượng Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu bằng gỗ có từ trước khi ngôi chùa thành lập của người hoa.

Mô Hình thuyền bát nhã

Mô Hình Thuyền Bát Nhã được treo trước sảnh thờ – trên có cặp câu đối

”Hoạt lộc giang sơn thiên cổ uyển tại

Anh hùng tráng sĩ bách thế du toàn”

Tầng giữa có dòng chữ ghi: Tây Liêu Quốc – Tô Lộc Thái Tử – Thát Đát Hoàng Thúc – Phù Tang – Kim Tuyên – Cờ Đồng Quốc – Cờ Thiên Trúc Quốc…

Tầng dưới vẽ về hình tượng điển cố ” Bát Tiên Náo Đông Hải ”

Một số hiện vật – cổ vật có giá trị

Theo thống kê chưa đầy đủ, thì chùa bà Thiên Hậu hiện có gần 400 đồ cổ, gồm:

  • 7 tượng thần
  • 6 tượng đá
  • 9 bia đá,
  • 10 biển – hoành phi ,
  • 23 câu đối phù điêu “ thuyền bát nhã”
  • 41 tranh nổi 41,
  • 10 họa tiết gốm nóc mái ,
  • 20 tranh chữ vẽ
  • 34 tranh tường
  • 1 chuông lớn
  • 24 Tranh chạm gỗđỉnh đồng lớn 1, ngũ sự
  • 32 bảng gỗ khắc chữ ngân cao
  • 1 Tửu đỉnh đá…
  • Và còn nhiều những hiện vật quý giá khác

Những bức tranh điêu khắc trên tường vô cùng đặc sắc

Dọc hành lang lối đi bạn sẽ nhìn thấy được những bức tranh điêu khắc thủ công trên tường cực kỳ tinh sảo thể hiện được trình độ kéo léo của những người thợ gốc Hoa – mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của những người tha phương – xa quê hương xứ sở nhưng vẫn cố gắng gìn giữ và bảo tồn

Trang Điêu Khắc trên trường

Trang Điêu Khắc trên trường

Trang Điêu Khắc trên trường

Trang Điêu Khắc trên trường

Trang Điêu Khắc trên trường

Ngoài một số hiện vật được trưng bày, miếu còn có một lư Hương bằng đồng, dưới đế có ghi: Đại Minh Tuyên Đức niên chế, chế tác năm Canh Tuất, đời vua tuyên Đức nhà Minh (1430).

Toàn miếu có 23 cặp đối, nội dung nói lên khát vọng của người dân luôn mơ ước có một đời sống ấm no hạnh phúc, nhờ vào ân đức và sự phò trợ to lớn của Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Các Lễ Hội thường được tổ chức

Tại Miếu, người Hoa đi lễ hầu hết các ngày trong tháng. Ngoài nhóm người Hoa gốc Quảng Đông, còn có các nhóm khác và cả người Việt đến lễ bái. Lễ vật mang đến, cúng xong họ mang trở về nhà một phần gọi là hưởng lộc Bà.

Lễ Hội Ngày / Âm Lịch
Chúc Tết Tập Thể Mồng 2 tết
Tế Thánh Đầu Xuân Mồng 4 tết
Hoàn Đăng ( Hội Đèn ) Mồng 10 tết
Vía Thần Thổ Địa Mồng 2/2
Vía Thiên Hậu 23/3
Vía Kim Hoa 17/4
Tết Đoan Ngọ 5/5
Vía Long Mẫu 8/5
Vía Quan Bình 13/5
Vía Quan Đế 24/6
Vía Tài Bạch 22/7

Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng 3 âm lịch, vía Bà Thiên Hậu đều được tổ chức long trọng. Vào những ngày này, Tượng Bà Thiên Hậu được đặt trên một chiếc kiệu và rước xung quanh chùa, có trình diễn hát Quảng, có múa lân, múa rồng tưng bừng trong sân miếu.

Đông nhất là vào các ngày rằm và mùng một, thượng nguyên (Tết Nguyên Tiêu); Trung Nguyên, Hạ nguyên. Nhìn chung, trong năm, miếu tổ chức 16 buổi lễ cúng. Khi đến cúng, người Hoa mang lễ vật như hoa tươi, trái cây, gà, bánh,… nhang, đèn, giấy tiền vàng bạc là lễ vật không thể thiếu.

Ngày vía Kim Hoa: là ngày vía cầu mong đường hôn nhân và con cái

Ngày vía Tài Bạch: Cầu mong tiền tài của cải hạnh thông, mong đường làm ăn được suôn sẻ.

Trang Điêu Khắc trên trường

À bạn nhớ thử món bánh hẹ của người hoa có bán ngay trước cửa Chùa Bà Thiên Hậu nhé, ăn cũng lạ vị lắm

Bánh hẹ khoai môn

Miếu Thiên Hậu – Tuệ Thành Hội Quán có vị trí quan trọng đối với cộng đồng người Hoa, đặc biệt là người Hoa Quảng Đông ở Chợ Lớn. Đây cũng là một thắng cảnh của thành phố, thu hút đông đảo du khách Hoa, Việt và người nước ngoài đến tham quan, lễ bái.

Ra khỏi chùa Thiên Hậu là trở về với sự ồn ã của quận 5. Người Hoa hay người Việt cũng thế thôi, tôi nghĩ dù tất tả thế nào cũng cần một chỗ thiêng tĩnh nghỉ ngơi. Một chỗ để đặt niềm tin vào thần thánh, trút bớt gánh nặng trên đời. Một chỗ để thấy nhẹ nhõm khi được che chở.

Nếu có dịp đến với Sài Gòn thì hãy thử một lần ghé qua đây tham quan nhé, một địa điểm xứng đáng có tên trong lịch trình du lịch Sài Gòn giúp chuyến đi của bạn trở nên thú vị hơn đấy..

Viết bài: Trung Nguyễn

Xem thêm các địa điểm tham quan ở Quận 5:

Hội Quán Tam Sơn 三山會館

Chùa Bà Hải Nam 瓊府會館

Hào Sĩ Phường – con hẻm đã trải qua hơn 100 năm

avatar about owner post

Hi, Chúng mình là Trung & Trinh!

Chúng mình hy vọng bạn sẽ thích các hướng dẫn, các chia sẻ, mẹo du lịch cũng như giới thiệu cho mọi người về cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Rất mong các bạn theo dõi và ủng hộ chúng mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 bình luận

  1. Hi anh, em là sinh viên đang làm nghiên cứu về Tuệ Thành Hội Quán. Anh có thể cho em xin các ảnh trong bài này được không ạ

    • Trung Nguyễn

      Cảm ơn bạn đã ghé qua Blog của mình, bạn cứ dùng nhé..

  2. Hùng Đặng

    Thông tin hữu ích, cảm ơn tác giả. Một địa điểm cực kỳ linh thiêng của người Hoa đáng để tham quan

    • Trung Nguyễn

      Thanks bạn, đã ghé thăm Blog của mình

Đóng Quảng Cáo