Đèn Lồng Hội An – những sắc màu lung linh về đêm ở Phố Hội

Bài viết thuộc danh mục: Hội An

Những chiếc đèn lồng Hội An đầy sắc màu, tỏa sáng cả một bầu trời phố cổ mỗi khi đêm về luôn là hình ảnh đầu tiên được nhắc đến khi đến với Hội An. Đèn lồng tạo nên một nét đặc trưng rất riêng cho phố Hội, tựa như phần hồn níu chân du khách mỗi khi đến với nơi đây.

Ai đó đã từng nói Hội An chỉ đẹp một cách trọn vẹn khi được ngắm nhìn qua lăng kính của những chiếc đèn lồng. Không biết từ bao giờ chúng đã trở thành nét đẹp văn hóa của phố cổ.

Hầu như ở khắp mọi nơi của Hội An, từ các di tích văn hoá lịch sử như Chùa Cầu, Chùa Ông, các Hội quán Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, các tiệm cao lầu có lịch sử hàng trăm năm tuổi… đến các nhà hàng, khách sạn, quán cóc dân dã hè phố, đều có đèn lồng.

Cơ sở bán đèn lồng hội an

Tới phố cổ Hội An, bạn có thể nhìn ngắm những chiếc đèn lồng mọi nơi, mọi lúc, trong mọi khoảnh khắc, và tất nhiên lúc nào đèn lồng cũng rất đẹp. Ban ngày, đèn lồng để lộ rõ nét tinh xảo, sức sáng tạo và tài hoa của những người thợ.

Còn khi màn đêm buông xuống, những chiếc đèn lồng chuyển màu huyền diệu, lung linh chiếu sáng như đưa bạn về với miền cổ tích.

Lúc này, thật tuyệt nếu bạn cùng người đồng hành của mình dạo bước một vòng quanh phố cổ, men theo bờ sông Hoài thơ mộng ngắm nhìn đèn lồng tỏa sắc. Không gian Hội An về đêm đẹp hoài vọng và nên khiến bao người phải xiêu lòng.

tiệm đèn lồng ở Hội An

Làm đèn lồng – nghề truyền thống từ xa xưa của phố Hội

Vốn là một thương cảng quốc tế phồn vinh bậc nhất, Hội An là điểm dừng chân của thuyền buôn khắp thế giới, khiến cho mảnh đất này không chỉ là xứ giao thương “con đường tơ lụa” trên biển, mà còn sớm trở thành nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa đa sắc.

Chiếc đèn lồng phố Hội chính là sự kết tinh giữa văn hóa Việt – Hoa – Nhật Bản ở Hội An từ hơn 400 năm trước.

Có người cho rằng đèn lồng có mặt ở Hội An là do những người dân thuộc dòng họ Châu, La, Thái… xuất phát từ Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông bên Trung Hoa sang đây để sinh cơ lập nghiệp.

Trong hành trình xa xứ, họ đã mang theo những chiếc đèn lồng, đem treo trước nhà cho thỏa niềm hoài vọng cố hương. Lâu dần thành tập quán phát sinh lan ra cả vùng cư dân, trở thành một nét đẹp văn hoá được duy trì phát triển đến ngày nay.

lồng đèn hội an lồng đèn hội an

Theo những người trong nghề cho biết “Ông tổ” nghề làm đèn lồng ở Hội An có tên là Xã Ðường, chuyên làm đầu lân, lồng đèn trong những đêm hội hay trong các cuộc thi đấu xảo, thi đèn kéo quân.

1 phút quảng cáo

STAYNOW.VN là nền tảng tìm kiếm và so sánh giá phòng với hơn 20,000+ địa điểm lưu trú , trên nền tảng Agoda.com, Booking.com, Trip.com... đang phổ biến nhất hiện nay

Giúp bạn tiết kiệm thêm chi phí cho chuyến du lịch của mình khi tìm nơi lưu trú, hiện đang nhiều ưu đãi giảm giá phòng lên đến 50% và coupon giảm giá lên đến 250K

Staynow
TRUY CẬP NGAY STAYNOW.VN để tìm phòng giá rẻ nhé: https://staynow.vn

Và một trong số những người có công làm sống lại chiếc đèn lồng là nghệ nhân Huỳnh Văn Ba. Ông là người tiên phong phục chế và tạo dáng lại chiếc đèn lồng. Từ đó, tạo nên chiếc đèn lồng khung tre bọc vải ngày nay. Biết được tài năng của ông, Chính phủ Nhật đã có lần mời ông về để giới thiệu cách làm đèn lồng tại Việt Nam.

Dù xuất hiện khá sớm nhưng phải qua vài thế hệ chiếc đèn lồng mới tới được mọi nhà trong phố cổ Hội An với tính chất trang trí hết sức bình dân mà vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ và sang trọng vốn có.

Tiếp thu kỹ thuật từ những chiếc đèn xưa, người Hội An đã không ngừng mày mò, cải tiến cách làm để biến tấu những chiếc đèn lồng Hội An càng đẹp và đa dạng về mẫu mã hơn

đèn lồng hội an

Trải qua hàng trăm năm, những chiếc đèn lồng đang dần được hoàn thiện tinh tế và sáng tạo hơn. Làm đèn lồng đã trở thành một nghề truyền thống, như “đặc sản” riêng của thành phố Hội An.

Khám phá quy trình làm đèn lồng Hội An

Đèn lồng Hội An ngày nay được thêu ren tinh xảo. Để làm nên những chiếc đèn lồng xinh xắn đó là cả một quy trình và công đoạn rất cầu kì, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẫn của người thợ. Về quy trình làm đèn lồng có thể chia làm hai công đoạn chính:

Đầu tiên là làm khung tre. Tre dùng để định hình khung đèn được lựa chọn và xử lý cẩn thận trước khi đưa vào uốn và tạo khung. Tre làm khung phải là tre già, được ngâm với nước muối từ 10 – 15 ngày để chống mối mọt.

Sau đó được phơi khô, chẻ ra và vót thành từng nan mỏng tùy theo kích cỡ của từng loại đèn. Nan được gắn vào 2 vòng gỗ ở 2 đầu sau đó được kết nối bằng các sợi dây dù. Cuối cùng người thợ sẽ dùng tay, khéo léo chỉnh sửa để có một khung đèn cân xứng.

đèn lồng hội an

Công đoạn thứ hai là bọc vải. Người Hội An thích dùng lụa Hà Đông để bọc đèn. Thứ lụa này làm cho ánh sáng thêm huyền ảo sống động, chiếc đèn lồng Hội An cũng trở nên sang trọng hơn. Vải được cắt ra làm nhiều mảnh tùy theo kích thước của đèn sau đó được dán lên những nan khung đã được bôi keo một cách cẩn thận.

Khi căng vải đòi hỏi người thợ phải cực kỳ khéo léo để căng thẳng góc ở những đoạn cong. Dán vải xong, người thợ sẽ dùng kéo để cắt tỉa những phần dư thừa, rồi dùng chuôi gắn vào khung đèn.

Tiếp đến, người nghệ nhân còn chạm vẽ lên đèn lồng những họa tiết đẹp mắt, những hình ảnh phong cảnh non nước hữu tình mang đậm nét văn hóa Á Đông.

đèn lồng hội an

Và cuối cùng, những chiếc đèn lồng sẽ được tiện gỗ, quét sơn/đánh vecni và kết tủa, uốn dây treo để thành một chiếc đèn lồng hoàn chỉnh. 

Mua đèn lồng Hội An ở đâu?

Đèn lồng Hội An hiện nay đa dạng về màu sắc, chất liệu và kiểu dáng. Bạn có thể thỏa sức ngắm nhìn và cũng có thể mua để làm kỉ niệm hay làm quà tặng. Đặc biệt hơn, nếu bạn muốn được tự tay trải nghiệm, làm nên một chiếc đèn lồng mang về làm kỉ niệm thì bạn có thể theo các tour học nghề truyền thống địa phương để đi đến các cơ sở sản xuất uy tín hoặc nhà biểu diễn trên phố Nguyễn Thái Học.

Một số địa chỉ uy tín, gợi ý dành cho bạn như:

  • Xưởng sản xuất đèn lồng Hà Linh (Địa chỉ: 72 Trần Nhân Tông, Phường Cẩm Châu, TP. Hội An);
  • Xưởng sản xuất đèn lồng Huỳnh Văn Ba (Địa chỉ: 15A Phan Đình Phùng, TP. Hội An);
  • Xưởng sản xuất đèn lồng Việt (Địa chỉ: 57 Bà Triệu, Phường Minh An, TP. Hội An)…

Khi tới những địa điểm này, không những bạn được dõi theo những đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làm lồng đèn, ngắm nhìn những chiếc đèn lồng tinh xảo, đẹp mắt mà còn có thể tự tay trải nghiệm toàn bộ quá trình làm ra một chiếc đèn lồng với sự hướng dẫn nhiệt tình, tỉ mỉ, thân thiện của những nghệ nhân.

lồng đèn hội an

Cho dù không được sắc sảo như những chiếc đèn lồng do các nghệ nhân nơi đây làm ra, nhưng nếu bạn đem tặng món quà do chính tay mình tự làm ra thì chắc chắn sẽ ý nghĩa hơn bất kì món quà nào, người được tặng hẳn sẽ trân quý lắm.

Thêm vào đó, tại những địa điểm này, du khách sẽ được mua những sản phẩm tốt nhất với giá cả hợp lý. Giá cả thì tùy theo kích cỡ, màu sắc, hình dáng của đèn, song nhìn chung thì không đắt lắm, rất phù hợp để làm quà tặng.

Phổ biến hiện nay ở các cơ sở, giá đèn lồng loại nhỏ dao động khoảng từ:

  • 15.000 đồng – 20.000 đồng,
  • loại vừa 40.000 đồng – 60.000 đồng,
  • loại lớn thì từ 120.000 đồng – 150.000 đồng/chiếc,
  • Còn muốn đặt hàng làm theo nhu cầu thì có giá cao hơn, có khi lên đến 200-300 USD/chiếc.

Ngày nay, bắt kịp được thị hiếu của khách hàng, các nghệ nhân đã sáng tạo ra rất nhiều những mẫu đèn lồng không còn cồng kềnh như trước mà thay vào đó du khách có thể xếp gọn, tiện lợi trong việc di chuyển.

Bởi thế, du khách nước ngoài đến với Hội An hầu như ai cũng mua vài ba chiếc đèn lồng mang về treo làm kỷ niệm.

đèn lồng hội an lung linh về đêm

Hội An hiện nay có khoảng trên dưới 200 cơ sở làm đèn lồng. Việc sản xuất đèn lồng nơi đây không chỉ đáp ứng cho nhu cầu làm đẹp trong nhà, ngoài phố, phục vụ cho đám đình, lễ, tết… mà hơn thế nữa là còn vì mục đích quảng bá du lịch, phục vụ cho du khách làm quà lưu niệm như một đặc sản văn hoá chuyên biệt của Đất và Người Hội An.

Do đó, nếu không quá kỹ tính trong việc lựa chọn hoặc vì lý do nào đó du khách có thể tìm mua nhanh đèn lồng ở các cửa hiệu trên đường Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thái Học… Những chiếc đèn lồng ở đây cũng vẫn đẹp, sang trọng, tinh xảo ở từng chi tiết và vẫn đậm chất Hội An.

Lễ hội đèn lồng – trải nghiệm văn hóa đặc sắc bạn đừng bỏ lỡ!

Du lịch Hội An, nếu có cơ hội bạn hãy đến vào thời điểm diễn ra Lễ hội đèn lồng. Lễ hội này đã trở thành một nét đặc trưng diễn ra hàng tháng của phố Hội, làm say lòng và níu chân biết bao du khách mỗi khi có dịp đến đây.

Lễ Hội Đèn lồng Hội An được tổ chức vào những ngày rằm âm lịch hàng tháng, lớn nhất là vào dịp Tết cổ truyền. Trong những ngày này, không gian phố cổ trở nên đẹp lạ thường dưới ánh sáng huyền ảo của những chiếc đèn lồng.

đèn lồng hội an

Trên các tuyến đường ven sông Hoài thuộc khu phố cổ như Trần Phú, Lê lợi, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai… các phương tiện giao thông tạm thời dừng lưu thông trong khoảng từ 17 giờ đến 22 giờ. Tất cả các ngôi nhà, hàng quán, tiệm ăn đều tắt điện. Toàn bộ khu phố như đắm chìm trong ánh sáng của trăng rằm và hàng nghìn ngọn đèn lồng được thắp lên.

Phố cổ Hội An dường như càng trở nên đẹp và lung linh hơn bởi ánh sáng sắc đỏ rực, sắc vàng dịu hay sắc trắng nhẹ nhàng… toả ra từ những chiếc đèn lồng từ khắp các ngõ phố nhỏ xinh vào đêm lễ hội đón Trung thu.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, rất nhiều hoạt động được tổ chức. Bạn có thể thưởng thức các màn trình diễn ngoài trời hoàn toàn miễn phí như: múa lân hay các điệu múa… được tổ chức dọc bờ sông bởi các vũ công và nghệ sĩ. Lễ hội còn mang đến cho du khách cơ hội tham gia các trò chơi truyền thống của Việt Nam tại Hội An, chẳng hạn như hát bài chòi, cờ vua Trung Quốc, kéo co, …

Đáng chú ý nhất và có lẽ cũng là hoạt động độc đáo được mọi người mong chờ nhất vào ban đêm nơi phố Hội đó là thả đèn hoa đăng trên sông Hoài. Hoạt động này có một điểm đặc biệt là diễn ra quanh năm chứ không riêng gì ngày rằm hay các dịp lễ hội đặc biệt. Do đó, dù đến Hội An vào thời điểm nào, bạn cũng không sợ bị bỏ lỡ trải nghiệm thú vị này.

Theo tâm niệm của người dân nơi đây, thả đèn hoa đăng là để đem lại sức khỏe và tài lộc cho mọi nhà. Mỗi một ngọn đèn hoa đăng trên tay là một lời nguyện cầu tốt đẹp, mỗi một ngọn đèn hoa đăng được thắp lên là một tâm niệm thiện lành, an lạc cho bản thân và mọi người, xóa tan mọi khổ đau, ưu phiền, mang đến niềm an vui, hạnh phúc. Bạn có thể dễ dàng tìm mua đèn hoa đăng, bởi chúng được người dân bán rất nhiều dọc hai bên bờ sông Hoài, giá cả lại cực kì rẻ, chỉ 3.000 đồng/ chiếc thôi.

lồng đèn hội an đầy sắc màu

Thật yên bình biết bao khi ngồi bên bờ sông Hoài, nghe những bản nhạc không lời phát ra từ những chiếc loa đặt dọc mọi con đường phố cổ, nhìn theo dòng nước để ngắm những chiếc đèn hoa đăng đang trôi lững lờ mang theo ước nguyện của ai đó về với biển rộng, có chỗ đèn kết chùm với nhau tạo nên một vùng sáng rực rỡ ở giữa sông.

Nếu muốn ngắm toàn cảnh phố cổ lung linh trong đêm, hít trọn không khí trong lành từ biển thổi vào, tận hưởng cái mát lành của sông Hoài về đêm thì du khách hãy trải nghiệm thả đèn hoa đăng trên thuyền nhé. Thật là một trải nghiệm khó quên khi được ngồi trên một chiếc thuyền gỗ nhỏ, thắp một chiếc đèn hoa sen rồi nhẹ nhàng thả xuống dòng sông lãng mạn và cầu nguyện.

Phố cổ đang ngày một thêm cổ, được tỏa sáng và thăng hoa nhờ nghề làm đèn lồng. Dù ngày hay đêm, những chiếc đèn lồng vẫn có mặt ở khắp các con phố như những nét chấm phá đầy màu sắc cho bức tranh Hội An thêm cổ kính, mộc mạc và lãng mạn.

Tuy chẳng cầu kì xa hoa nhưng đèn lồng Hội An để lại một ấn tượng sâu sắc và khó phai trong lòng du khách mỗi khi có dịp đến đây. Nó là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn Việt!

Viết bài: Hồng Vũ

Xem thêm bài viết:

List Villa đẹp ở Hội An

top 20 Resort đẹp nhất Hội An

Thuê xe máy Hội An giá rẻ

Lịch trình đi Phố Cổ Hội An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *