Nhà Cổ Bình Thủy – Cần Thơ, nét đẹp kiến trúc Á – Âu vượt thời gian
Bài viết thuộc danh mục: Cần Thơ
Đến thăm Nhà Cổ Bình Thủy vào một buổi trời trong và nắng khá gắt, tôi thực sự ngỡ ngàng bởi kiến trúc mà ngôi nhà cổ này đang sở hữu. Một sự pha trộn giữa nét kiến trúc Phương Tây và Á Đông cực kỳ tinh tế, tái hiện chân thực về thời “Những vị điền chủ” quá khứ xa xưa, một cuộc sống sang giàu của các gia đình trưởng giả Nam Bộ.
Mình cũng khá may mắn vào đúng lúc các đoàn khách tour đến tham quan, có hướng dẫn viên thuyết mình nên cũng nghe được sơ sơ về cuộc sống sinh hoạt thường ngày của gia đình trong ngôi Nhà Cổ này, có lúc quyền uy có lúc lại bình dị. Trong không gian hoài cổ với những hiện vật còn lưu giữ gắn liền theo năm tháng, càng tôn lên giá trị của Nhà Cổ Bình Thủy
Cùng mình tìm hiểu xem căn nhà cổ này có gì đặc biệt, những lý do gì mà căn nhà này được người dân mệnh danh là ngôi nhà cổ đẹp nhất Miền Tây nhé.
Nhà Cổ Bình Thủy ở đâu ? Đường đi có dễ không ?
Nhà Cổ Bình Thủy, hay còn gọi là Nhà thờ họ Dương nằm trên phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ là một kiến trúc độc đáo có trên trăm năm tuổi.
Cách đi đến Nhà Cổ Bình Thủy ( cách trung tâm khoảng 10km ): mình tham khảo trên google maps thì có 3 cung đường để đi.
- Bạn đi theo đường Võ Văn Kiệt, trên đường ra sân bay Cần Thơ, qua cầu Bình Thủy 2 quẹo phải, chạy dọc bờ sông là tới nhà cổ
- Đi theo đường CMT8, QL91B, đến cầu Bình Thủy quẹo trái vào đường Bùi Hữu Nghĩa
- Đi theo ghe – tàu: từ bến Ninh Kiều, thuê tàu hoặc ghe tới bờ sông của nhà cổ được luôn, tầm 45 phút đi tàu.
Địa chỉ: Số 26/1 đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ
Lịch sử về ngôi nhà cổ hơn 100 năm xây dựng
Về nguồn gốc tên gọi, ngoài cái tên chính là Nhà Cổ Bình Thủy Cần Thơ, thì người dân địa phương nơi đây còn gọi với 2 cái tên khác đó là Vườn Lan Bình Thủy hay Nhà cổ Vườn Lan ( lúc đi tham quan thì mình mới hiểu tại sao lại có tên gọi này).
Về Lịch Sử Xây Dựng thì mình tìm hiểu căn nhà này nổi bật với những cột mốc chính như sau:
- Gia tộc họ Dương đến lập nghiệp ở Nam Bộ khoảng cuối thế kỉ XVIII, một trong những gia tộc có tiếng thời bấy giờ
- Năm 1870 căn nhà đầu tiên do ông Dương Văn Vị xây dựng bằng gỗ quí và lợp ngói để thờ cúng tổ tiên.
- Tới đầu thế kỷ XX, ông cho xây dựng lại ngôi nhà có quy mô lớn hơn.
- Năm 1904, đời tiếp theo là ông Dương Chấn Kỷ ( còn gọi là Hội đồng Ba ) cho tiến hành xây dựng ( Nhà Cổ Bình Thủy như hiện tại ) đến năm 1911 thì hoàn thành
Nói về chủ nhân – ông Dương Chấn Kỷ ông là một điền chủ trí thức giàu có với gu thẩm mỹ hiện đại, ông đã bị mê hoặc bởi nét kiến trúc Tây Phương đang được du nhập vào Việt Nam thời bấy giờ. Chính do sở thích đó nên căn nhà được ông cho người thiết kế theo phong cách kiến trúc biệt thự cổ kiểu Pháp sang trọng phá cách với sự kết hợp của nét Á Đông truyền thống tạo nên sự độc đáo và hài hòa của ngôi nhà cổ này.
Căn nhà cổ này đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 2009.
Kiến trúc của Nhà Cổ Bình Thủy Cần Thơ có gì đặc sắc
Nhà Cổ Bình Thủy Cần Thơ có dấu ấn kiến trúc đặc sắc, là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với xứ Tây Đô. Căn nhà cổ này được nhiều hãng phim, đạo diễn chọn nơi đây làm phim trường, bối cảnh mà tiêu biểu đó là bộ phim Người tình, Người đẹp Tây Đô…
KKday là nền tảng APP du lịch cung cấp hơn 20,000+ sản phẩm trực tuyến như: Vé vui chơi tham quan, dịch vụ ngoài trời, tham quan du lịch, trải nghiệm ẩm thực, di chuyển, lưu trú, khoá học và văn hoá địa phương... Hiện đang có ưu đãi chào hè giảm tới 50% và coupon giảm giá lên đến 250K
Mã ưu đãi hấp dẫn: Mua 1 tặng 1 áp dụng tới 31/07....
Ngày nay, ngôi nhà là một trong những địa chỉ check in của nhiều du khách, của các cặp đôi chụp ảnh cưới…
Ngôi nhà được thiết kế với bố cục đăng đối – đối xứng nhau theo chiều ngang – tổng thể của công trình bạn sẽ thấy được dấu ấn Phương Tây khá rõ nét, nhất là các họa tiết trang trí ở mặt trước của căn nhà trang trí theo chủ đề như: hoa lá, chùm nho, con sóc… mái vòm hình tròn và tam giác…
1/ Cổng Chính và Cổng Phụ
Cổng chính của nhà cổ Bình Thủy mình thấy được xây kiểu dạng Phương Tây, với 4 cột trụ và cửa sắt nhiều họa tiết uốn lượn. Qua cổng chính là cổng với kiến trúc trái ngược theo kiểu Á Đông có mái ngói âm dương, dưới mái là tấm biển có khắc tên của căn nhà: “Phước An Hiệu – Nhà thờ họ Dương”
2/ Sân Hiên và cầu thang
Trước nhà có khoảng sân rộng với bể cảnh và non bộ là yếu tố minh đường và bình phong trong phong thủy.
Lối vào căn nhà cũng được thiết kế rất đặc biệt: gồm 4 lối bậc thang, 2 cái hai bên và 2 cái chính giữa được thiết kế uốn hình vòng cung – chiểu cao từ nền lên bậc thềm nhà trước là 1m
Chính giữa có chồng nhiều hoa để chắn cửa chính vào nhà làm yếu tố phong thủy
Từ hai cầu thang ở giữa đi lên một sảnh rộng lớn ở gian giữa.
3/ Nhà Chính – gồm 3 khu vực tách biệt
Nhà có 5 gian – thiết kế theo chiều sâu nhà có 3 lớp dài 16m:
- Nhà trước: dùng làm nơi tiếp khách, được trang trí theo phong cách Châu Âu.
- Nhà giữa: được bài trí theo phong cách truyền thống của Việt Nam, 3 gian trong dùng làm nơi thờ tự, 2 gian hai bên dùng làm nơi sinh hoạt gia đình. Với cách bài trí thuần Việt với bàn hương án, khánh thờ, liễn đối… đều bằng gỗ quý khảm xà cừ.
- Nhà sau: được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung.
Mặt tiền của ngôi nhà là hệ thống một loạt cửa sổ kiểu Pháp với vòm cuốn, đảm bảo độ thông thoáng cho ngôi nhà. Tường bao bên ngoài xây gạch, lan can sảnh được làm bằng gang đúc với những chi tiết hoa lá rất cầu kỳ, mái lợp ngói.
Ngôi nhà nằm giữa, xung quanh là vườn hoa. Mái lợp có 3 lớp ngói: 2 lớp dưới hình lòng máng, lớp trên cùng là ngói ống. Lớp ngói dưới cùng được nhúng vôi màu trắng để có cảm giác sáng sủa, thoáng đãng trong không gian nội thất. Nhờ 3 lớp ngói mà ngôi nhà luôn mát mẻ trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ở Nam Bộ.
Bên trong căn nhà:
Từng cột trụ bằng lim cho đến cách bài trí các phòng, nội thất đều được gia chủ sắp xếp theo luật đối xứng có âm có dương, có tả có hữu và có tiền có hậu rất tinh tế.
Hệ khung nhà gồm 24 cột gỗ căm xe, cà chít, được kết nối bởi hệ kèo truyền thống Nam Bộ – kèo cánh én, cánh dơi
Trên trần giả là những trang trí với họa tiết cầu kỳ. Những chiếc đèn kiểu phương Tây của thế kỷ trước vẫn được lưu giữ.
Các hàng cột, vách ngăn được chạm trổ công phu với những hình ảnh gần gũi, quen thuộc của Việt Nam và Nam Bộ như: mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng lộc, chim, công, dơi, thỏ, tôm, cua, khổ qua, nho… Các ô hộc có nhiều hình dạng như vuông, chữ nhật, lục giác cũng được chạm khảm tỉ mỉ, sắc sảo, có tính thẩm mỹ cao.
Phòng khách bài trí theo phong cách Châu Âu, Còn nơi quan trọng nhất là gian thờ được thiết kế theo phong cách thuần Việt.
Toàn bộ gạch lát nền đều được vận chuyển trực tiếp từ Pháp về.
4/ Vườn Lan
Hậu duệ đời thứ 5 của ngôi nhà là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa cảnh – nhất là hoa lan nên ngôi nhà còn có tên gọi là “Vườn lan Bình Thủy”.
Mải tham quan quá mình quên chụp mất, mình có quay lại và sẽ bổ sung sau nhé. Vườn là cũng tương đối rộng năm bên tay phải của Nhà Cổ Bình Thủy, ngoài lan thì còn có trồng nhiểu loại cây cảnh khác
Bên trong nhà cổ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá
Bên trong ngôi nhà còn có một “kho cổ vật” được gìn giữ suốt nhiều thế kỉ qua như:
- Hương án
- Bộ bàn ghế cẩm thạch, vân xanh có đường kính 1,5m, dày hơn 6cm xuất xứ từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc,
- Chậu rửa mặt (lavabo) bằng sứ tráng men trắng hoa xanh,
- Bộ sa–lông kiểu Pháp đời Louis 15, mặt bằng đá cẩm thạch sắc xanh,
- Chùm đèn bạch đằng TK XVIII,
- Cặp đèn treo TK XIX,
- Tách chén nậm trà, rượu đời Minh – Thanh,
- Bình Thượng ngọc men xanh cao 1,2m…
Những hiện vật này cho ta biết được mức độ giàu có và thú chơi đồ cao cấp của mấy đời gia đình họ Dương đất Bình Thủy, Cần Thơ.
Ảnh: Những tấm ảnh lưu niệm và bút tích của đạo diễn J.J Annaud khi làm phim ở nhà cổ Bình Thủy.
Giá vé tham quan nhà cổ Bình Thủy
Giá vé nhà cổ Bình Thủy: 20,000 VND/người lớn.
Giờ mở cửa nhà cổ Bình Thủy: Mỗi ngày, từ 7 giờ đến 12 giờ trưa; từ 14 đến 18 giờ chiều.
Những lưu ý khi đến tham quan
- 1. Nhà này vẫn được quản lý của gia đình. Nên các bạn đến thăm nhà đúng giờ. Đóng cửa giờ trưa.
- 2. Việc chụp hình du lịch lưu lại kỷ niệm thì thoải mái, nhưng nếu ghi hình chuyên nghiệp hoặc ảnh cưới thì nên hỏi chủ nhà vì phụ thu riêng.
- 3. Đa phần là đồ cổ trong nhà, quí vị cẩn trọng nếu có dẫn trẻ nhỏ theo.
- 4. Nếu may mắn quí vị sẽ được chủ nhà giới thiệu nhiều hơn và những kĩ niệm của từng món đồ cổ, cũng những những ý nghĩa, nét đẹp tinh tế của các bao lam quanh cột gồm: mai, lan, trúc, cúc, tùng lộc, thỏ, dơi…
- 5. Cởi giày, gỡ nón khi vào nhà.
- 6. Tổng thời gian tham quan nơi đây tầm 30 – 45 phút tối đa.
- 7. Nếu lỡ đến nhà, trong khung giờ tham quan nhé, mà không ai mở cửa thì các bạn qua bên hông nhà có chuông để bấm, vì có thể chủ nhà nghỉ ngơi trong nhà.
- 8. Nắng mưa Miền Tây không hề khắc nghiệt. Miền Tây vẫn luôn làm say nắng, say mưa bất kì ai đến bất kì lúc nào nên hãy chủ động mang theo nón hoặc dù che nhé. Lúc mình đi tham quan thì khá là ” nắng cực “
Đây là một trong những căn nhà cổ hiếm hoi còn lại khá nguyên vẹn ở Miền Tây. Đến đây bạn vừa có dịp tìm hiểu thêm về cội nguồn di sản của tiền nhân vừa chiêm ngưỡng được một công trình kiến trúc đặc sắc, thì phải thú thực rằng, đến Cần Thơ mà không ghé qua địa điểm này thì quả thực là một thiếu sót lớn
Ngôi nhà cổ đã hơn một thế kỷ tồn tại, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc và chiến tranh, nhà cổ Bình Thủy vẫn may mắn tồn tại, được các thế hệ chăm sóc, gìn giữ và tỏa sáng, trở thành một di sản quý báu. Đó là một kiến trúc đặc sắc của tầng lớp giàu có ở Cần Thơ nói riêng và Nam Bộ nói chung, thể hiện sự giao thoa văn hóa trong giai đoạn lịch sử có nhiều biến động.
Thông qua bài viết này hy vọng sẽ gợi ý cho bạn một địa điểm hay ho để thăm thú khi đến với Cần Thơ, thấy bãi viết có hữu ích nhớ like và chia sẻ giúp mình nhé.
Viết Bài: Trung Nguyễn
Xem thêm các địa điểm tham quan ở Cần Thơ:
Thăm Chợ Nổi Cái Răng, trải nghiệm văn hóa – ẩm thực
Trải nghiệm Tour Miền Tây 2 Ngày 1 Đêm – Mỹ Tho – Bến Tre – Cần Thơ
Chỗ cho thuê xe máy ở Cần Thơ uy tín giá tốt chỉ từ 100k/ngày | 2022