Chùa Một Cột – ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nằm giữa thủ đô Hà Nội
Bài viết thuộc danh mục: Hà Nội
Chùa Một Cột là một trong những ngôi chùa được coi là biểu trưng ở Hà Nội. Với lối kiến trúc vô cùng đặc sắc và độc đáo, nơi đây đã tạo nên một điểm thắng cảnh nổi tiếng tại thủ đô cho bạn ghé đến tham quan.
Mình ghé tham quan Chùa Một Cột Hà Nội vào những ngày cuối năm, có mưa phùn, trời xe xe lạnh khá là thú vị. Sau chuyến đi mình cũng có tìm hiểu thêm về lịch sự của ngôi chùa độc đáo này chia sẻ cho các bạn biết thêm về nó. Các bạn nhớ xem hết bài viết để biết Việt Nam mình có một ngôi chùa độc đáo có một không hai này nhé.
Lịch sử xây dựng và tôn tạo Chùa Một Cột
Theo sử sách, chùa được xây lần thứ nhất năm 1049: “Mùa đông tháng 10 dựng chùa Diên Hựu. Trước đây, vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy vua nói với bề tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm toà sen của phật Quan Âm như đã thấy ở trong mộng. Cho các nhà sư đi xung quanh tụng kinh cầu nhà vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu (phúc lành dài lâu).
Năm 1070 mùa xuân tháng giêng năm Thần Võ thứ 2, vua viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước khắc vào phiến đá”.
Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho mở rộng kiến trúc khu chùa có thêm hồ Linh Chiểu. Về sau, quy mô chùa Một Cột chỉ còn lại ngôi chùa nhỏ trên cột đá như hình ảnh hiện nay. Thực dân Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho nổ mìn phá chùa. Tuy nhiên, chùa đã được trùng tu cơ bản như trước.
Theo các nhà nghiên cứu, lối kiến trúc “Chùa Một Cột” đã có trước thời nhà Lý. Nó có tên là Nhất Trụ (nằm ở Hoa Lư, Ninh Bình), ngôi chùa này có cột đá cao, tám cạnh, đề niên hiệu thời Lê Hoàn (981 – 1005).
Chùa Một Cột còn có các tên gọi khác như: chùa Mật, Nhất Trụ Tháp, Diên Hựu Tự hay Liên Hoa Đài. Với lịch sử lâu đời và những sự kiện nổi bật mang đậm nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Tương truyền, Vua Lý Thái Tông nằm mơ thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen. Và sau cuộc trao đổi với nhà sư Thiền Tuệ , nhà vui bắt đầu cho xây dựng một ngôi chùa trên cột đá giống như tòa sen của Phật Bà Quan Âm.
Sau khi xây dựng, đây là nơi Vua Lý Thái Tông thường đến cầu nguyện
Một vài thông tin về lịch sử xây dựng bạn tham khảo qua
- Theo ghi chép thì, Chùa được xây dựng vào tháng 10 năm 1049, do vua Lý Thái Tông chỉ quyết.
- Năm 1105 chùa được tu sửa và dựng thêm.
- Chùa Một Cột đã bị quân viễn chinh Pháp phá hủy trong cuộc chiến tranh chống Pháp và đến năm 1955 thì di sản này được tôn tạo lại.
- Sau nhiều biến cố lịch sử chùa đã trùng tu 3 lần vào năm: 1840- 1850, năm 1922 và năm 1955.
- Năm 1962, Chùa Một Cột được nhà nước công nhận là: Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia
- Năm 2012 đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục : Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á.
Chùa Một Cột nằm ở đâu? Cách di chuyển đến tham quan
Chùa Một Cột hiện nay nằm trong khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa hiện nay nhỏ hơn so với nguyên mẫu để ghi nhớ lại nơi đây đã từng có một công trình kiến trúc độc đáo.
Nằm ngay trung tâm của thành phố Hà Nội rất gần Quảng trường Ba Đình và lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
Địa chỉ: Chùa tọa lạc tại khu vực Đội Cấn, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Đường khá là dễ đi bạn có thể xem trên google maps mình có để bên dưới nhé. Còn nếu muốn thuê một chiếc xe máy về vivu tham quan hà nội thì xem ngay bài viết này nhé: List địa chỉ cho thuê xe máy ở Hà Nội uy tín giá tốt
STAYNOW.VN là nền tảng tìm kiếm và so sánh giá phòng với hơn 20,000+ địa điểm lưu trú , trên nền tảng Agoda.com, Booking.com, Trip.com... đang phổ biến nhất hiện nay
Giúp bạn tiết kiệm thêm chi phí cho chuyến du lịch của mình khi tìm nơi lưu trú, hiện đang nhiều ưu đãi giảm giá phòng lên đến 50% và coupon giảm giá lên đến 250K
Các địa điểm tham quan gần chùa Một Cột, cho bạn tham khảo:
- Đền Quán Thánh: chỉ cách đó khoảng 1km.
- Đền Bạch Mã
- Đền Ngọc Sơn: nằm trên một đảo nhỏ giữa Hồ Hoàn Kiếm.
- Chùa Trấn Quốc
Kiến Trúc của Chùa Một Cột
Vật liệu chủ yếu được sử dụng để xây chùa Một Cột là gỗ, bạn có thể nhìn thấy rõ trong các chi tiết thiết kế như vách tường và cột xà. Chùa được đặt trên một cột trụ cao 4 m nằm giữa hồ.
Chùa Một Cột hiện nay bao gồm đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3 m, mái cong, dựng trên cột cao 4 m (không kể phần chìm dưới đất), đường kính 1,20 m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối. Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên.
Chùa Một Cột (Liên Hoa Đài) được tạo hình bởi một trụ đá gồm 2 khối, gắn rất khéo, thoạt nhìn như một khối đá liền. Tầng trên là một khung gỗ kiên cố đỡ ngôi đài với mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có hình lưỡng long triều nguyệt. Sự độc đáo của kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá.
Gồm: Cột trụ, đài Liên hoa, mái chùa.
- Cột trụ cấu trúc hình trụ đứng, bằng cột đá. Có 3 khung giá gỗ để nâng đỡ đài Liên Hoa
- Đài Liên Hoa hình vuông có cạnh dài 3m, được đỡ bằng hệ thống giá gỗ và cột trụ vững chắc.
- Mái chùa lợp bằng ngói vảy truyền thống màu đỏ gạch, vẫn với lỗi thiết kế uốn cong ở 4 góc, trên đỉnh là phù điêu lưỡng long chầu nguyệt
- Hồ Linh Chiểu được trồng sen, tạo nên khung cảnh ngôi chùa nằm giữa hồ sen. Hồ được thi công vào năm 1105 với hàng rào lan can được xây bằng gạch sành tráng men xanh.
Trong hồ có thả cá chép và trồng sen. Hình tượng chùa Một Cột đặt ở giữa hồ giống như một bông sen vươn lên khỏi mặt nước, một kiến trúc thời phong kiến vô cùng độc đáo đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
Bố cục kiến trúc, trang trí có sự kết hợp táo bạo của trí tưởng tượng lãng mạn đầy thi vị qua hình tượng hoa sen và những giải pháp hoàn hảo về kết cấu kiến trúc gỗ bằng hệ thống móng giằng; đặc biệt là sử dụng các cột chống chéo lớn từ cột đến sàn, vừa tạo thế vững chắc, vừa mang lại hiệu quả thẩm mỹ như đường lượn của cánh sen, thiết lập sự hài hoà giữa mái và sàn bởi một đối xứng ảo.
Cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông), ngôi chùa như vươn lên cái ý niệm cao cả: Lòng nhân ái soi tỏ thế gian.
Khối kiến trúc gỗ đá được phù trợ bởi cảnh quan, có ao, có cây cối đã tạo nên sự gần gũi, tinh khiết mà vẫn thanh lịch. Cảm giác thanh cao của kiến trúc như chia sẻ, hoà đồng với trời nước và màu xanh của cây lá khiến con người rũ sạch ưu phiền, đạt tới sự trong sáng của tâm hồn.
Chùa đã bị phá hủy hoàn toàn do thực dân Pháp
Theo lịch sử ghi chép lại thì năm 1954, quân đội Viễn chinh Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá hủy chùa Một Cột.
Báo Tia Sáng Hà Nội đưa tin ngày 10 tháng 9 năm 1954
“Chùa Một Cột di tích liệt hạng của Hà Thành đã sụp đổ sau một tiếng nổ long trời lở đất ”
Vụ nổ do quân Pháp đánh sập Chùa một cột năm 1954
hình ảnh chùa cũ năm 1896.
(Ảnh chưa tìm được tên tác giả)
Dạo quanh Tham quan một vòng Chùa Một Cột
Qua Cổng Tam Quan
- Cổng có hình vòm cung gồm một lối lớn ở giữa và hai lối nhỏ ở hai bên. Cổng gồm có hai tầng, tầng dưới là cửa gỗ, tầng trên là các thiết kế mái ngói cong.
- Trên mái có tượng phù điêu đầu rồng vô cùng nổi bật.
Vào Khuôn Viên Chùa
- Khuôn viên với sân gạch đỏ, không gian khuôn viên khá rộng gồm hai khu vực kiến trúc đặc trưng là: Diên Hựu cổ và thiết kế chùa Một Cột được đặt gần nhau.
- Trong sân là 2 toà tháp với 2 tầng thiết kế, trước đây đều được lợp sứ trắng, hiện tại đã trùng tu bằng ngói đỏ.
Chùa Một Cột
- Chùa chỉ có một gian duy nhất với một ban công bao quanh bằng gỗ.
- Bước vào bên trong là một thiết kế bàn thờ đặt chính diện so với cửa vào. Bàn thờ gồm có hai tầng, một tầng sử dụng để đặt lễ vật dâng hương.
- Tầng trên cùng có đặt một bức tượng Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen rất uy nghi. Hình tượng này gắn liền với truyền thuyết về nguồn gốc xây dựng quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu.
Thiền sư Huyền Quang đề thơ chùa
Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) có một bài thơ về chùa Một Cột như sau:
— Diên Hựu Tự —
Thượng phương thu dạ nhất chung lan
Nguyệt sắc như ba phong thụ đan
Si vẫn đảo miên phương kính lãnh
Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn
Vạn duyên bất nhiễu thành giá tục
Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan
Tham thấu thị phi bình đẳng tướng
Ma cung Phật quốc hảo sinh quan.
— Chùa Diên Hựu —
Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tàn
Phong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt lan
In ngược hình chim, gương nước lạnh
Sẫm đôi bóng tháp, ngón tiên hàn.
Muôn duyên chẳng vướng: xa trần tục
Một mảy nào lo: rộng nhãn quan
Thấu hiểu thị phi đều thế cả
Dầu ma dầu Phật, chốn nào hơn?
Với lối kiến trúc độc đáo Chùa Một Cột ở Hà Nội là một trong những địa điểm tham quan tâm linh mà bạn không nên bỏ qua khi đến với Hà Thành. Với những thông tin mình tóm lược phía trên hy vọng sẽ giúp cho bạn có chuyến du lịch khám phá Hà Nội thêm nhiều điều thú vị, cùng đi và chia sẻ như mình nhé.
Lưu ý: Khi đi tham quan chùa bạn nên ăn mặc chỉnh tề, tránh ăn mặc phản cảm. Đặc biệt, không nên ăn mặc trang phục quá ngắn, thiếu kín đáo hoặc bó sát.
Một ngôi chùa tưởng như rất nhỏ bé mong manh, có lẽ cả thế giới chỉ Việt Nam mới có ngôi chùa kiến trúc siêu nhỏ như vậy nhưng giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn, lại trường tồn cùng dân tộc. Một ngôi chùa giữa hồ nước chỉ đủ chỗ cho mấy bát hương, một pho tượng, không tường hào, không tháp chuông, không cổng tam quan nhưng vẫn uy nghiêm trong tâm linh dân tộc, là hình ảnh biểu trưng của thủ đô, vững vàng trong dòng thời gian bất tận.
Viết bài: Trung Nguyễn
Xem thêm các bài viết khác về Hà Nội:
List Đặc Sản Hà Nội mua về làm quà hấp dẫn