Nhà Thờ Mằng Lăng – độc đáo kiến trúc Gothic hơn 130 năm tại Phú Yên
Bài viết thuộc danh mục: Phú Yên
Địa chỉ: xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
Mở cửa: 5h30 - 21h
Giá: Free
Phú Yên không chỉ có những bãi biển đẹp nên thơ mà còn có những công trình văn hóa nghệ thuật đẹp mắt, cổ kính với lối kiến trúc độc đáo. Một trong những công trình ấy là nhà thờ Mằng Lăng, một nhà thờ Công giáo với lối kiến trúc châu Âu cổ kính, độc đáo và ấn tượng.
Từ thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, theo quốc lộ 1A ngược với hướng bắc khoảng 30km, bạn sẽ được đặt chân tới nhà thờ Mằng Lăng. Nơi gắn liền với lịch sử truyền giáo đậm nét trên dải đất này.
Nhà thờ Mằng Lăng là nhà thờ lớn của giáo xứ Mằng Lăng thuộc giáo hạt Phú Yên, giáo phận Quy Nhơn. Phía bắc là giáo xứ Sông Cầu, phía nam giáp giáo xứ Tuy Hòa, phía tây là giáo xứ Đồng Tre, còn phía đông thì giáp biển và cách thành phố Tuy Hòa 35km về phía bắc. Nhà thờ tọa lạc bên bờ sông Kỳ Lộ, còn gọi là sông Cái, cách thị trấn Chí Thạnh gần 20km về phía đông.
Tìm hiểu về Lịch Sử của Nhà Thờ
Theo sử sách triều Nguyễn, đời Chúa Tiên năm Mậu Dần (năm 1578), vua ủy nhiệm ông Lưu Văn Chánh làm trấn biên quan. Nhưng mãi đến năm Kỷ Tỵ (1629), Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mới cho lập dinh trấn biên và giao cho người con rể là Nguyễn Phúc Vinh làm quan trấn thủ. Vợ quan trấn thủ là Công chúa Ngọc Liên, trưởng nữ của Chúa Sãi, đã theo đạo và lãnh nhận bí tích rửa tội năm 1636 với tên thánh là Maria Madalena. Sau đó, bà lập nhà nguyện trong dinh trấn biên. Từ đó, nhóm giáo hữu đầu tiên đã hình thành.
Nhà thờ Mằng Lăng xây dựng năm 1892 bằng kinh phí của Tu hội Thừa sai Paris, do công của linh mục Joseph de La Cassagne người Pháp (tục gọi là Cố Xuân). Ngài là vị linh mục đầu tiên và đồng thời yên nghỉ ngàn năm tại đây, mộ ngài nằm gần cửa phía đông bên trong nhà thờ, bằng với mặt nền nhà, bên trên đặt một tấm bia.
Video về Nhà Thờ Mằng Lăng mời bạn xem qua, thấy nếu thú vị cho mình xin 1 subscribe kênh nhé.
Theo các bậc cao niên ở An Thạch, cách đây hơn 100 năm, khu vực An Thạch rất ít dân cư, phủ kín cây rừng. Trong đó, có một loại cây mọc rất nhiều, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc trùm, nở ra màu tím hồng, gọi là bằng lăng. Hiện dấu vết khu rừng mằng lăng ấy không còn, nhưng ngôi nhà thờ vào thời điểm ấy đã được đặt tên theo loại cây quý này.
Kiến trúc Gothic đặc trưng
Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng trong khuôn viên rộng 5000m², theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí gây ấn tượng như một nhà thờ ở Pháp hoặc La Mã, đầy chất mỹ thuật. Hai bên nhà thờ có hai lầu chuông, chính giữa là thánh giá. Tất cả sơn màu trắng, nhưng với thời gian đã ngả thành đen, nhìn xa như một bức tranh thủy mặc giản dị, hòa đồng với khung cảnh ruộng vườn cây lá chung quanh.
Giới kiến trúc trong nước đánh giá rất cao sự độc đáo của nhà thờ Mằng Lăng vì hòa quyện với lối kiến trúc Công giáo châu Âu là những chi tiết trang trí mang đậm văn hóa Việt. Nhiều chi tiết trang trí đã bị bào mòn vì thời tiết khắc nghiệt, dù vậy vẫn còn những chi tiết chạm trổ tinh sảo đến nay vẫn còn hầu như nguyên vẹn.
Thiết kế của nhà thờ tương đối giống như nhà thờ Đức Bà Paris thu nhỏ và có nét tương đồng với nhà thờ Lớn Hà Nội nhưng vật liệu thô sơ hơn.
Bao bọc mặt tiền nhà thờ là những lối vào hình mái vòm trông như những búp măng. Trần nhà thờ được lót bằng phông gỗ, không còn kiểu mái vòm đặc trưng của kiến trúc Gothic.
Ở Mằng Lăng, dấu ấn Gothic biểu hiện ở những lối mở thông ra hai bên gian chính giữa thánh đường, các cửa sổ hình búp măng xung quanh phía trên tường bao bọc nhà thờ. Không chỉ mang nét kiến trúc xuất xứ châu Âu, nhà thờ Mằng Lăng vẫn có những nét Việt Nam, đó chính là những họa tiết chạm trổ tinh xảo, toát lên chất mộc mạc.
STAYNOW.VN là nền tảng tìm kiếm và so sánh giá phòng với hơn 20,000+ địa điểm lưu trú , trên nền tảng Agoda.com, Booking.com, Trip.com... đang phổ biến nhất hiện nay
Giúp bạn tiết kiệm thêm chi phí cho chuyến du lịch của mình khi tìm nơi lưu trú, hiện đang nhiều ưu đãi giảm giá phòng lên đến 50% và coupon giảm giá lên đến 250K
Bên trong ngôi giáo đường cổ kính
Vào trong giáo đường là hai hàng cột, được liên kết bởi các vòm liên hoàn, họa tiết được chạm khắc trên những hàng cột và trần nhà. Nền giáo đường khá cao so với cốt sân, lại quay về hướng nam nên gió lồng lộng.
Các cửa sổ lấy sáng tự nhiên được lắp đặt kính màu rực sáng lung linh. Có thể nói đây là công trình có vật lý kiến trúc âm thanh, ánh sáng, thông thoáng tuyệt vời.
Phòng truyền thống của Nhà Thờ Mằng Lăng, nơi lưu giữ sách quốc ngữ đầu tiên bằng tiếng việt
Bên hông phía trước nhà thờ có một quả đồi nhân tạo, bên trong là khu hầm nhỏ được xây dựng khá kỳ công như một hang động. Khu hầm này được xem là phòng truyền thống của nhà thờ Mằng Lăng. Bên trong hầm có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anrê Phú Yên.
Hiện nay, nơi này vẫn đang giữ cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Việt. Đây là quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của linh mục Đắc Lộ ( Alexandre de Rhodes), người có công lớn trong việc khai sinh ra chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.
Cuốn sách được giữ trang trọng một cách đặc biệt trong một hộp kính, trên có ghi năm in là năm 1651 tại Roma, Ý. Cuốn sách được thể hiện dưới dạng song ngữ, với tiếng Latinh bên trái và tiếng Việt bên phải. Tuy nhiên, Tòa giám mục địa phận Quy Nhơn chưa lên tiếng xác thực chi tiết này vì có thể đây chỉ là bản sao.
Những cột gốc lịch sử gắn liền với Nhà Thờ Mằng Lăng
Với lịch sử hơn 130 tồn tại, mỗi bức tường, cánh cửa, bàn cầu nguyện nơi đây đều nhuốm màu thời gian, cùng sự độc đáo trong hình dáng đường nét, mang đậm dấu ấn kiến trúc thế kỷ thứ 19.
Từ khi được xây dựng, nhà thờ Mằng Lăng đã trải qua một vài lần sơn sửa, với một số màu khác nhưng sau đó lại được khoác trở lại màu sắc ban đầu, phù hợp nhất với kiến trúc của nhà thờ. Nhà thờ tuy nhỏ nhưng có khuôn viên thoáng mát, và rộng rãi.
Ngày trước, trận bão năm Giáp Tý 1924 đã phá sập một phần mái của nhà thờ.
Năm 1928, linh mục Lê Kim Dung quản xứ lo việc trùng tu.
Năm 1994, lúc nhà thờ đã hơn một trăm năm tuổi, hư hỏng nhiều, mỗi lần kéo chuông, hai lầu chuông như rung rinh. Linh mục Bùi Huy Bích quản xứ lúc đó lo đại trùng tu như hiện nay:
- Hai lầu chuông được gia cố thêm phần cốt sắt chống đỡ,
- Những hoa văn tróc lở cứ theo y nét cũ trang điểm lại.
- Những cánh cửa hư mục thì theo kiểu cũ mà thay thế nhưng không đổi khác bộ phận hoặc chi tiết nào.
Năm 1997, linh mục Bùi Huy Bích qua đời, phần mộ nằm trước đài thánh Giuse trong khuôn viên nhà thờ.
Tính từ khi thành lập đến năm 1928, nhà thờ Mằng Lăng trải qua bốn đời linh mục quản xứ là người Pháp.
Từ năm 1928, linh mục quản xứ đều là người Việt.
Chân phước Anrê Phú Yên, người được phong Á Thánh
Chân phước Anrê Phú Yên (sinh năm 1625 – mất năm 1644 ) là người con sinh ra từ giáo xứ Mằng Lăng. Không ai biết tên thật của ông, chỉ biết sau khi được rửa tội năm 1941, ông được đặt tên là Anrê Phú Yên.
Năm 1642, ông đã theo linh mục Alexandre de Rhodes ra Quảng Nam để học trường các thầy giảng, dù trẻ nhưng đã trở thành học viên xuất sắc nhất. Sống một đời vì đạo, Anrê Phú Yên tử đạo ngày 26/7/1644 tại Quảng Nam khi mới vừa tròn 19 tuổi. Ông là người tử vì đạo đầu tiên và là một trong số 117 người tử vì đạo trên thế giới đã được phong á thánh.
Ngày 5/3/2000, ông được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong thành bậc chân phước và được xem là vị thánh đầu tiên tử vì đạo của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Trải qua 400 năm phát triển từ một tia sáng đức tin ban đầu, rồi dần dần lan tỏa khắp miền. Mảnh đất này đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình là đón nhận và gieo rắc hạt giống tin mừng. Hưng thịnh rời suy tàn, sự không vững bền đã được quan phòng để nhắc nhớ rằng thế gian không có gì trường tồn và bất biến…
Trong tâm thức mỗi giáo dân Mằng Lăng, vẫn tiếc nuối thời gian hưng thịnh đã qua. Và hào quang sáng chói nhất trên vùng trời giáo xứ vẫn là chân phước Anrê Phú Yên, người đã làm rạng danh cho giáo xứ trên khắp thế giới. Được Đức giáo hoàng Joan Paulo II nhắc tên như một mẫu gương đức tin sống động cho giới trẻ toàn cầu trong ngày giới trẻ thế giới lần thứ mười bảy tại Toronto năm 2002.
Vì thế, trong khi nỗ lực sống đạo cho xứng với di sản tinh thần cha ông để lại, người giáo dân Mằng Lăng mong muốn phục hồi lại những gì đã mất, những gì gắn với những địa danh mà ngày nay chỉ còn nghe nhắc đến tên. Bởi lẽ đó cũng là những di sản mà cha ông đã khổ công gầy dựng.
Ngày nay, đây không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương, nhà thờ Mằng Lăng còn thu hút rất đông du khách khi đến với Phú Yên.
Thông tin hữu ích:
Chánh Xứ: Linh Mục Trương Minh Thái
Giờ Thánh Lễ:
- Trong tuần từ thứ 2 – thứ 6: 18h30
- Thứ 7 và Chúa Nhật: sáng 5h30 – chiều 18h30
Viết Bài: Trung Nguyễn
Xem thêm các bài viết khác về Phú Yên:
Chuyến đi bụi tới Cù Lao Mái Nhà + Hòn Yến cực lầy
Checkin Hòn Nưa Phú Yên 2 ngày 1 đêm lầy lội
Tháp Nghinh Phong – công trình tái hiện kỳ quan Ghềnh Đá Đĩa